SỰ THẬT VỀ VI KHUẨN ĂN THỊT NGƯỜI GÂY HOANG MANG DƯ LUẬN
Gần đây trên báo chí, mạng xã hội lan truyền thông tin nhiều người bị “vi khuẩn ăn thịt người” hay có cái tên khác là Whitmore tấn công gây hoang mang dư luận. Sự thật thì có loại vi khuẩn này không? Chúng có ăn thị người thật không? Hãy tìm hiểu thông tin ở bài viết dưới đây nhé.
Bệnh Whitmore là gì?
Bệnh Whitmore là căn bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (vi khuẩn whitmore) gây ra. Đây là một loại vi khuẩn gram âm, yếu, chúng tồn tại trong bùn, đất, và thường chỉ lây nhiễm cho con người thông qua các vết xước, vết thương ngoài da, một số rất ít lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa.
Gọi Whitmore là vi khuẩn ăn thịt người có chính xác?
Vi khuẩn này gây áp xe, hoại tử một số vùng, đây không phải loại vi khuẩn ăn thịt người, do đó gọi như vậy là không chính xác.
Vi khuẩn Whitmore chỉ có nguy cơ xâm nhập cao vào cơ thể những người có sức đề kháng kém như bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. Trong trường hợp người bệnh không được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh, sẽ gây hoại tử các tổ chức, trong đó các tổ chức mà vi khuẩn Whitmore thường tấn công như: cánh mũi, xương hàm, cơ tay và chân,…
Trong trường hợp bệnh nặng, vi khuẩn Whitmore mới gây “hoại tử” chứ bình thường vi khuẩn này không có khả năng “ăn” các tế bào trên cơ thể con người.
Sự nguy hiểm của Whitmore
Vi khuẩn Whitmore diễn biến nhanh và có thể gây ra các biến chứng như: Gây nhiễm trùng huyết, tổn thương tại chỗ, tụ cầu phổi, sốc nhiễm khuẩn, nếu người bệnh không được phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời có thể gây biến chứng tử vong sau 48 giờ nhập viện.
Đối tượng nào dễ mắc Whitmore?
Những người làm nông nghiệp thường xuyên phải tiếp xúc với bùn, đất bẩn, khi các vết trầy, xước, vết thương hở không được bảo vệ tốt tiếp xúc với bùn, đất bẩn sẽ dễ lây nhiễm vi khuẩn Whitmore. Ngoài ra những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh phổi, tiểu đường, suy giảm miễn dịch,… cũng dễ bị lây nhiễm vi khuẩn Whitmore.
Bệnh Whitmore thường dễ nhầm lẫn với các bệnh khác cũng do vi khuẩn gây ra. Do đó khó chẩn đoán chính xác ngay từ đầu nên có thể dễ bị bỏ qua, không điều trị, khiến bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, chỉ cần bác sĩ xác định đúng bệnh nhiễm khuẩn Whitmore và điều trị theo phác đồ thì sẽ khỏi hoàn toàn. Bệnh không dễ dàng lây lan, bệnh không lây trực tiếp từ người sang người do đó người dân không nên quá lo lắng.
Các biện pháp phòng tránh
– Vệ sinh thân thể và môi trường sống sạch sẽ
– Không để các vết trầy, xước tiếp xúc với bùn, đất, nước bẩn
– Trang bị bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất, nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
– Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
– Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn, khám phát hiện và làm xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei để điều trị kịp thời.
Gần đây, thông tin về bệnh được cảnh báo rầm rộ bởi nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng. Do đó, khuyến cáo đối với bac sĩ điều trị khi tiếp nhận các trường hợp tương tự cần thăm khám kỹ, liên tưởng ngay đến bệnh và thực hiện xét nghiệm cấy máu để chẩn đoán bệnh sớm và điều trị đúng. Mọi người khi có các dấu hiệu nhiễm trùng cũng nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Các tin khác
- PHẪU THUẬT CẮT KHỐI U XƠ TỬ CUNG KHỔNG LỒ (17/09/2019)
- VIÊM RUỘT THỪA QUẶT NGƯỢC MANH TRÀNG HIẾM GẶP (16/09/2019)
- LẤY DỊ VẬT THỰC QUẢN Ở TRẺ EM (16/09/2019)
- XÉT NGHIỆM TRIPLE TEST TẦM SOÁT TRƯỚC SINH (13/09/2019)
- NGUY CƠ CỦA VIỆC MẤT NGỦ KÉO DÀI (13/09/2019)
- PHÒNG TRÁNH BỆNH CHO BÉ KHI THỜI TIẾT GIAO MÙA (12/09/2019)
- VI KHUẨN ĂN THỊT NGƯỜI NGUY HIỂM THẾ NÀO? (10/09/2019)
- NHỮNG DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRẦM CẢM SAU SINH (09/09/2019)
- ĐAU ĐẦU KHÔNG RÕ NGUYÊN NHÂN - ĐỪNG NÊN CHỦ QUAN (05/09/2019)
- BỆNH CHÂN TAY MIỆNG Ở TRẺ NHỎ (03/09/2019)