CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP NHẤT VỀ VẮC XIN TIÊM PHÒNG COVID - 19 CHO PHỤ NỮ MANG THAI
Dù có thai hay không, nguy cơ mắc bệnh của phụ nữ có thai và người bình thường là tương đương nhau. Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật của phụ nữ mang thai rất nặng so với người bình thường.
Có nên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai không?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi mang thai khiến cho bà mẹ có nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn nhưng hiện tại có rất ít dữ liệu đánh giá tính an toàn của vắc xin phòng COVID-19 trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai có thể được tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19, nếu lợi ích của việc tiêm phòng lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do vắc xin.
Theo WHO, đối với những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 (ví dụ nhân viên y tế) hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng (ví dụ người đang mắc bệnh nền), nên tư vấn với bác sĩ để cân nhắc về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Trong văn bản “Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vắc-xin COVID-19” do Bộ Y Tế Việt Nam ban hành ngày ngày 10/8/2021 cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai trên 13 tuần thuộc đối tượng được tiêm vắc-xin COVID-19.
Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai có an toàn không? Thai nhi có bị ảnh hưởng gì không?
Chưa có dữ liệu nào cho thấy tiêm vắc xin Covid-19 gây ảnh hưởng đến thai kỳ và sức khỏe thai nhi. Các nghiên cứu đã chỉ ra tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai là khoa học, an toàn, phù hợp với tình tình dịch bệnh đang diễn hết sức phức tạp; Không có kết quả bất lợi nào liên quan đến thai kỳ xảy ra trong các thử nghiệm lâm sàng trước đây; Không phát hiện bất cứ nguy cơ sảy thai ở mức độ cao nào đối với những người được tiêm vắc-xin COVID-19 mRNA trong suốt thai kỳ khi tiêm phòng trước tuần 20 trong một nghiên cứu; Tiêm vắc-xin COVID-19 mRNA trong suốt thai kỳ sẽ giảm nguy cơ nhiễm bệnh; Tiêm chủng cho phụ nữ mang thai tạo ra các kháng thể có thể bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại COVID-19.
Những vắc-xin phòng COVID-19 nào mà phụ nữ mang thai có thể tiêm?
Các loại vắc xin Covid-19 AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna đều có thể tiêm cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần và phụ nữ cho con bú, trừ vắc xin Sputnik V vì theo theo khuyến cáo của nhà sản xuất chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
Hầu hết các loại vắc xin COVID-19 hiện nay đều tiêm 2 liều với thời gian 2 mũi khác nhau tùy từng loại vaccine. Các dữ liệu khoa học cho thấy hiệu lực bảo vệ của vắc xin đã bắt đầu hình thành sau khi tiêm liều thứ nhất, liều tiêm thứ hai sẽ làm gia tăng hiệu lực bảo vệ đó.
Phụ nữ mang thai trên 13 tuần cần được tiêm đủ số mũi vắc xin phòng Covid-19 và kết thúc mũi tiêm thứ hai trước 36 tuần 6 ngày. Trường hợp nếu không kịp hoàn tất mũi tiêm thai phụ sẽ thực hiện tiêm mũi trong thời kì hậu sản.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai còn có lịch tiêm vaccine khác (ví dụ như vaccine phòng uốn ván...). Những vaccine này cần tiêm trước vaccine phòng Covid 19 ít nhất 14 ngày hoặc cách 28 ngày sau thời điểm tiêm vaccine phòng Covid 19.
Hiệu quả của vắc-xin là phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, giảm bệnh nặng phải thở máy, giảm tử vong. Đừng chờ đợi hay lựa chọn, hãy tiêm khi có cơ hội.
Để đảm bảo an toàn, phụ nữ mang thai trên 13 tuần nên tiêm chủng ở các bệnh viện có khoa sản.
Cách chăm sóc phụ nữ mang thai trước và sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19
Trước khi tiêm vắc xin
- Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú nên ăn uống hợp lý
- Không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc,
- Hợp tác khai báo y tế, tuân thủ 5K, thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân như tiền sử dị ứng, các bệnh cấp tính/mạn tính đang mắc, các thuốc đang sử dụng…
Sau khi tiêm
- Cần phải ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những dấu hiệu bất thường.
- Sau tiêm chủng, nếu phụ nữ mang thai sốt dưới 38,5 độ C có thể cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh, đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
- Nếu sốt từ 38,5 độ trở lên hoặc đau mỏi người, đau tại chỗ tiêm thì có thể sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường chứa paracetamol theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Trường hợp không hạ sốt hoặc sốt cao > 39 độ C cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
- Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm cần tiếp tục theo dõi. Nếu sưng to nhanh nên đi khám ngay, tuyệt đối không bôi đắp bất cứ thứ gì lên chỗ sưng đau ở vị trí tiêm (ví dụ: thuốc đắp từ thảo dược, lá cây hay thuốc mỡ…).
- Ngoài ra, cần tiếp tục theo dõi ít nhất 7-28 ngày sau tiêm tại nhà, thông báo bác sĩ ngay nếu xuất hiện các biểu hiện như nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều…
Mọi thông tin tư vấn tiêm chủng Vắc xin Covid - 19 vui lòng liên hệ: 1900 969638 - 024 2214 7777 để được tư vấn.
Các tin khác
- MỘT SỐ LƯU Ý CHỤP CT CÓ CẢN QUANG (11/01/2022)
- NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ POLYP MŨI (05/01/2022)
- CÁC PHƯƠNG PHÁP TÁN SỎI TIẾT NIỆU HIỆU QUẢ (31/12/2021)
- NGUYÊN NHÂN VÀ TRIỆU CHỨNG GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN (24/12/2021)
- BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUỐC TẾ TRIỂN KHAI TIÊM VẮC XIN COVID - 19 (14/09/2021)
- NHỮNG BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TRẺ TRONG MÙA NẮNG NÓNG (21/06/2021)
- NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID - 19 (19/06/2021)
- BỆNH VIỆN ĐKQT THIÊN ĐỨC TIÊM VẮC-XIN COVID-19 CHO CÁN BỘ, NHÂN VIÊN Y TẾ (17/06/2021)
- DẤU HIỆU CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG TUÝP 2 BẠN CẦN BIẾT (03/06/2021)
- ĐOÀN CÁN BỘ Y TẾ BỆNH VIỆN ĐKQT THIÊN ĐỨC LÊN ĐƯỜNG CHI VIỆN TỈNH BẮC GIANG CHỐNG DỊCH COVID-19 (02/06/2021)