Tin tức

NHỮNG ĐIỀU MẸ BẦU CẦN BIẾT VỀ TIỂU ĐƯỜNG TRONG THAI KỲ

25/03/2020   2251 lượt xem

Tiểu đường thai kỳ rất nguy hiểm. Bởi không những gây nguy hại cho mẹ bầu mà còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của thai nhi cùng với sự phát triển của trẻ sau khi sinh. Các kiến thức dưới đây  sẽ cung cấp cho các mẹ những điều cần biết về tiểu đường thai kỳ nhé.

Tại sao mẹ lại bị tiểu đường thai kỳ và những ai có nguy cơ cao?

Trong quá trình mang thai, nhau thai được kích thích để tạo ra các hormon như  progesterone, HPL, prolactin… giúp thai nhi lớn và phát triển. Chính sự tăng sản xuất các hormon này làm cơ thể mẹ tăng đề kháng insulin. Trong khi insulin là loại hormon cần thiết giúp ổn định lượng đường trong máu.

Khác với bệnh tiểu đường mãn tính, tiểu đường thai kỳ chỉ xảy ra trong thời gian mang thai và có xu hướng biến mất sau khi sinh. Chỉ một số ít trường hợp tiểu đường thai kỳ phát triển thành tiểu đường tuýp 2.

Những mẹ có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ bao gồm:

  • Bị thừa cân, béo phì;
  • Mẹ bầu có tiền sử sinh con nặng hơn 4 kí;
  • Mẹ bầu từng bị đái tháo đường thai kỳ trong lần sinh trước đó;
  • Gia đình có người bị tiểu đường;
  • Mẹ bầu có bệnh lý hội chứng buồng trứng đa nang,…;
  • Sử dụng nhiều hormon dưỡng thai như progesteron;
  • Mẹ bầu mang đa thai, hoặc đã mang thai nhiều lần.

Dấu hiệu nhận biết tiểu đường thai kỳ

Có một thực tế là rất nhiều người mắc bệnh tiểu đường mà không hề hay biết. Đây là bệnh lý không có triệu chứng rõ ràng. Những biểu hiện thông thường của bệnh bao gồm:

1. Thường xuyên đi vệ sinh

Nồng độ đường trong máu quá cao sẽ khiến cơ thể tìm cách đào thải lượng đường này qua nước tiểu. Vì vậy nếu các mẹ bầu cảm thấy buồn tiểu thường xuyên, điển hình như phải thức dậy đi vệ sinh nhiều lần vào buổi tối thì mẹ  nên đi khám bác sĩ để được tư vấn.

2. Khát nước nhiều

Để bù lại lượng nước đã mất do đi vệ sinh nhiều, nhu cầu uống nước của bạn sẽ tăng lên. Vì vậy khi các mẹ bầu thấy mình thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều thì nên đi tham vấn bác sĩ để được xét nghiệm tiểu đường.

3. Mệt mỏi, sụt cân

Khi bị tiểu đường thai kỳ tuy nồng độ đường trong máu cao nhưng lại không sử dụng được. Khiến cơ thể người mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, và thậm chí sụt cân.

Ngoài các dấu hiệu đặc trưng trên, mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ cũng có thể có những triệu chứng sau đây: viêm nhiễm âm đạo, suy giảm thị lực…

Cần xét nghiệm tiểu đường vào thời gian nào của thai kỳ?

Sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ là bắt buộc vào khoảng tuần thứ 24 – 28 của thời gian mang thai, dù mẹ bầu có tiền sử bệnh hay không. Khoảng thời gian này tương ứng với quý 2, quý 3. Đây là thời điểm các hormon gây kháng insulin của nhau thai được tiết ra nhiều nhất.

Phụ nữ mang thai nằm trong nhóm nguy cơ cao (lớn hơn 35 tuổi, có tiền sử bị tiểu đường hoặc người thân bị bệnh tiểu đường, phụ nữ thừa cân, béo phì…) sẽ được chỉ định kiểm tra đường huyết từ những tuần đầu tiên của thai kỳ.

Khi mẹ bị tiểu đường thai kỳ sẽ nguy hiểm như thế nào?

  • Mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nhiều nguy cơ trẻ  bị béo phì hơn những đứa bé bình thường: Khi mẹ bị tiểu đường, thai nhi sẽ phát triển nhanh hơn bình thường.  Làm cho cơ thể bé sẽ tăng tiết insulin để tiêu thụ lượng đường mà mẹ truyền cho bé. Năng lượng sẽ được dự trữ dưới lớp mỡ của bé khiến những em bé mới chào đời có thể nặng đến 4 kg.
  • Các rối loạn cho thai nhi: Tăng đường máu kéo dài có thể  dẫn đến phổi bé chậm phát triển hoặc kém phát triển, tim to, suy tim, đa hồng cầu. Trẻ mới sinh có thể bị hạ đường máu, hạ can-xi máu, ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ sau này. Thậm chí, nếu không được kiểm soát, tiểu đường thai kỳ có thể gây sinh non, sẩy thai hoặc thai chết lưu, nhất là trong những tuần cuối thai kỳ.
  • Nguy cơ cho mẹ: Người mẹ bị tiểu đường thai kỳ dễ bị tăng huyết áp thai kỳ, đa ối, sản giật… Thậm chí, tuy trước đó không bị tiểu đường nhưng mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ có nhiều khả năng sẽ bị tiểu đường thực sự sau khi sinh xong.

Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý thai kỳ cần được kiểm soát ngay từ đầu để có những biện pháp khắc phục phù hợp.  Các mẹ cần lưu ý bệnh hoàn toàn có thể ngăn ngừa và kiểm soát một cách hiệu quả. Vì vậy hãy chuẩn bị cho mình những bữa ăn lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng và thường xuyên tập thể dục có thể giữ mức đường trong máu ổn định.