Tin tức

CÁC MỐC KHÁM THAI ĐỊNH KỲ MẸ BẦU CẦN GHI NHỚ

02/07/2019   2199 lượt xem

Cùng với chế độ dinh dưỡng, chế độ làm việc và nghỉ ngơi thì việc xác định lịch khám thai vào các tuần nào được nhiều mẹ bầu quan tâm. Mẹ bầu nào đang thắc mắc về lịch khám thai định kỳ như thế nào hãy tham khảo bài viết dưới đây.

Mang thai là một thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Thế nhưng đây cũng là một quá trình dài với nhiều thay đổi cả về tâm sinh lý của người mẹ. Chỉ một dấu hiệu bất thường xuất hiện ở giai đoạn này cũng có thể ít nhiều gây ảnh hưởng tới sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Bởi vậy mà mẹ bầu nào cũng cần thực hiện khám thai định kì để có thể chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất cho cả mẹ lẫn bé.

Khám thai định kỳ là một hoạt động cần thiết nhằm theo dõi sức khỏe cuae mẹ và bé

Khám thai là hoạt động cần thiết nhằm theo dõi sức khỏe của cả người mẹ và em bé trong bụng, tuy nhiên việc khám thai cũng cần được thực hiện lịch trình khám thai định kỳ theo các mốc phát triển của thai nhi. Vậy nên đi khám thai ở những tuần nào? Các mốc quan trọng nhất trong lịch khám thai là gì? Hãy cùng tìm hiểu dưới đây nhé

Lần khám thai đầu tiên (5 – 8 tuần):

Ở lần khám đầu tiên, các bác sĩ sẽ giúp chị em xác định mình có đang mang thai hay không. Nếu có thì cần xác định thai đã đi vào tử cung hay chưa, đã có tim thai hay không, tuổi thai là bao nhiêu.

Đây cũng là thời điểm mẹ bầu sẽ được đo tử cung để giúp các bác sĩ có cơ sở theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi, xác định tuổi thai cũng như ngày dự sinh của em bé.

Lần khám thai thứ hai (tuần thứ 8):

Nếu lần đầu tiên đi khám, các bác sĩ chưa kiểm tra được tim thai hoặc phôi thai có vấn đề nào đó thì các bác sĩ thường hẹn bạn khám lần thứ hai khi thai được 8 tuần khám thai lần hai để siêu âm xác định tim thai. Đồng thời, xác định kích thước của túi ối, chiều dài phôi thai để biết thai có phát triển tương xứng với tuổi hay không.

Lần khám thai thứ ba (11 tuần – 13 tuần 6 ngày):

Đây là một cột mốc quan trọng mà các mẹ bầu cần lưu ý đi khám đúng hẹn bởi đây chính là khoảng thời gian tốt nhất để có thể đo độ mờ da gáy kết hợp với làm xét nghiệm Double test tốt nhất nhằm đánh giá chính xác hơn nguy cơ bị Down của thai nhi. Đồng thời, dự đoán được một số bất thường nhiễm sắc thể có thể gây ra dị tật ở thai nhi như dị dạng tim, chi, thoát vị rốn, thoát vị cơ hoành khe hở thành bụng, thai vô sọ… Mẹ bầu cũng nên lưu ý nếu qua 14 tuần thì các chỉ số này cũng sẽ không còn có giá trị nữa.

Lần khám thai thứ tư (tuần thứ 14 – 16):

Đây là giai đoạn mà mẹ bầu có thể theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi một cách toàn diện nhất. Giai đoạn này cũng có thể xác định được giới tính của thai nhi. Những thông số qua siêu âm cũng có thể đánh giá xét nghiệm sàng lọc trước sinh và phát hiện thêm những dị tật ở thai nhi mà có thể lần khám trước chưa có biểu hiện.

Lần khám thai thứ năm (tuần thứ 16 – 20):

Ở lần khám này, bên cạnh việc kiểm tra các thông số thông thường và siêu âm theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi, mẹ bầu cần phải kiểm tra nước tiểu để kiểm tra lượng đường, nồng độ protein để tầm soát các dấu hiệu của bệnh tiểu đường cũng như nguy cơ tiền sản giật. Đồng thời, mẹ bầu cũng cần thực hiện xét nghiệm triple test giúp phát hiện các dị tật ống thần kinh hay các rối loạn về gen.

Lần khám thai thứ sáu (tuần thứ 20 – 24):

Ở giai đoạn này, các bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu siêu âm 4D để kiểm tra hình thái thai nhi một cách rõ nét và chân thực nhất. Qua đó sớm phát hiện và tầm soát các bất thường như sứt môi, dị dạng ở các cơ quan, đặc biệt là ở tim và hệ xương. Đồng thời, kiểm tra vị trí bám của nhau thai, lượng nước ối.

Lần khám thai thứ bảy (tuần thứ 24 – 27 tuần 6 ngày):

Cùng với việc khám và siêu âm nhằm theo dõi sự phát triển của thai nhi, mẹ bầu cần thực hiện xét nghiệm nước tiểu và máu để tầm soát bệnh đái tháo đường.

Lần khám thai thứ tám (tuần thứ 28 – 36):

Mẹ bầu sẽ được siêu âm 4D lần cuối để phát hiện các vấn đề hình thái xảy ra muộn ở thai nhi như những bất thường ở tim, động mạch, các bất thường ở não như dãn não thất. Đồng thời, xem xét vị trí ngôi thai để đánh giá sự tương xứng giữa cân nặng thai nhi và khung chậu người mẹ. Qua đó, dự đoán được trường hợp sinh khó hay dễ, có nguy cơ gì.

Đáp ứng nhu cầu chăm sóc thai sản của các mẹ bầu, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thiên Đức đã triển khai gói chăm sóc thai sản với các mốc quan trọng nhất trong thai kỳ " Gói chăm sóc thai sản từ tuần 12, tuần 22 và tuần 32" giúp con yêu được chăm sóc toàn diện chu đáo nhất ngay từ trong bụng mẹ.

 

Liên hệ ngay để được tư vấn và đặt lịch: 1900 969 638  hoặc Hotline 024 2214 7777