Tin tức

VIÊM TÚI THỪA ĐẠI TRÀNG: TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

24/08/2020   11190 lượt xem

Bệnh túi thừa đại tràng là bệnh lý hay gặp và có triệu chứng bệnh không rõ ràng. Viêm túi thừa có thể dẫn tới tình tràng chảy máu, áp xe… và nguy hiểm tới tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Túi thừa đại tràng là gì?

Túi thừa đại tràng là những cấu trúc dạng túi phát triển trong thành của đại tràng, thường gặp ở đại tràng sigma và đại tràng trái, cũng có thể gặp ở toàn bộ đại tràng. Khi các túi thừa này bị viêm nhiễm gây ra bệnh lý viêm túi thừa.

Triệu chứng và cách điều trị viêm túi thừa đại tràng | Vinmec

Bình thường vách đại tràng có 4 lớp đều đặn và không có chỗ nào bị lõm sâu vào. Nếu có một cấu tạo nào lõm sâu vào trong vách của đại tràng thì đó là hình ảnh của túi thừa. Phần lớn túi thừa của ống tiêu hóa xảy ra ở đại tràng, trong đó 95% ở đại tràng sigma và 5% ở manh tràng, (cecum) rất ít khi túi thừa ở phần còn lại của đại tràng. Khi phân nhỏ vì thiếu chất xơ chẳng hạn, phân sẽ cứng và khó bài tiết ra ngoài. Ðể có thể tống xuất phân ra ngoài, đại tràng phải co thắt nhiều hơn, đồng thời người ta cũng dùng nhiều sức để rặn khi đi cầu, như thế làm gia tăng áp lực trong đại tràng. Vách của đại tràng có khi không đồng đều về cấu tạo, có những chỗ vách bị yếu so với phần chung quanh và khi áp lực ruột gia tăng, niêm mạc của những chỗ yếu đó sẽ bị đẩy ra ngoài qua vách ruột yếu và tạo thành cái túi nhỏ, thường lớn 1-2cm, đôi khi lớn 5-6cm.

Triệu chứng viêm túi thừa đại tràng

Đa số bệnh nhân có túi thừa đại tràng không có triệu chứng lâm sàng. Số ít có triệu chứng đau bụng (thường ở vùng bụng dưới bên trái), kèm cảm giác trướng bụng, đầy hơi, rối loạn đại tiện (thường là táo bón, đôi khi phân lỏng hoặc phân có máu).

Túi thừa đại tràng là bệnh gì?

Khi túi thừa bị viêm, bệnh nhân thường gặp những triệu chứng sau:

  • Đau đột ngột ở vùng bụng dưới bên trái, đau bụng có thể nhẹ lúc đầu và diễn tiến nặng hơn trong vài ngày;
  • Thay đổi thói quen đi tiêu, thường đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón;
  • Chán ăn, buồn nôn và nôn ói;
  • Sốt, thậm chí sốt cao, rét run;
  • Trướng bụng, đầy hơi;
  • Chảy máu từ trực tràng (ít gặp);
  • Đau rát khi đi tiểu;
  • Khí hư bất thường.

Trong trường hợp viêm túi thừa nhẹ, người bệnh có thể không gặp phải bất cứ triệu chứng nào. Trong trường hợp viêm túi thừa đại tràng nặng, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như đau bụng dữ dội, sốt trên 38°C.

Nguyên nhân gây ra viêm túi thừa đại tràng

Những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ bị viêm túi thừa đại tràng:

  • Lớn tuổi: khả năng bị viêm túi thừa của bạn tăng lên khi bạn trên 40 tuổi, điều này có thể do những thay đổi liên quan đến tuổi, chẳng hạn như sự suy giảm mức độ vững chắc và độ đàn hồi thành ruột có thể đóng góp vào tình trạng viêm túi thừa.
  • Ăn ít chất xơ: bệnh viêm túi thừa phổ biến ở các nước công nghiệp phát triển, chẳng hạn như Mỹ, nơi mà chế độ ăn uống giàu carbohydrate tinh chế và ít chất xơ.
  • Vận động thể lực: ít hay hạn chế vận động thể lực được cho là có liên quan đến nguy cơ hình thành túi thừa. Những lý do dẫn đến tình trạng này vẫn chưa được hiểu rõ.
  • Béo phì: làm tăng nguy cơ xuất hiện viêm túi thừa và chảy máu túi thừa.
  • Hút thuốc lá: làm tăng khả năng bị viêm túi thừa.

Viêm phúc mạc có nguy hiểm không

Bệnh có nguy hiểm?

Về cấu tạo cơ thể học, túi thừa có cấu tạo giống vách đại tràng, nhưng mỏng hơn, gồm có lớp niêm mạc bao bọc ở trong, lớp dưới niêm mạc ở ngoài, rồi đến lớp cơ và ngoại mạc. Túi thừa có thể chỉ nằm trong vách của đại tràng, hay thòi ra ngoài ngoại mạc của đại tràng lúc đó lớp cơ của túi thừa có thể rất mỏng hay không có, thành ra nếu túi thừa thòi ra ngoài thì có thể dễ bị vỡ hay lủng.

Khi túi thừa bị nhiễm trùng, có thể gây ra viêm túi thừa, có thể bị viêm ở trong hay quanh túi thừa. Túi thừa đại tràng thường chứa phân bị kẹt trong lòng túi, lâu dần đóng chắc lại thành cục đá phân (fecalith), làm nghẹt lòng túi thừa và ép vách túi thừa, làm vi trùng (thường xuyên rất nhiều trong phân ở đại tràng) phát triển mạnh trong túi thừa gây nên viêm túi thừa. Nếu nhiễm trùng nhiều, vách túi thừa có thể bị hủy hoại và bị lủng và nhiễm trùng lan ra ngoài vách đại tràng, tạo thành túi mủ (abscess) tại chỗ, hay làm viêm phúc mạc (peritonitis) rất nguy hiểm, có thể chết người nếu không chữa kịp thời.

Chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng

  • Dựa vào bệnh sử và khám lâm sàng (phát hiện đau ở hố chậu trái);
  • Xét nghiệm máu để phát hiện bạch cầu tăng - dấu hiệu cho thấy có hiện tượng nhiễm trùng;
  • Chụp X-quang đại tràng: Xác định mức độ lan rộng của bệnh;
  • Chụp CT: Phân biệt túi thừa viêm hoặc nhiễm trùng;

Nội soi đại tràng bằng ống mềm thực hiện qua ngã hậu môn: Quan sát mặt trong của đại tràng, cung cấp thông tin bổ sung cho chẩn đoán và điều trị.

Điều trị bệnh viêm túi thừa đại tràng

Với bệnh viêm túi thừa nhẹ, không có biến chứng: điều trị ngoại trú bằng thuốc kháng sinh, giảm đau và chống co thắt theo chỉ định của bác sĩ. Để đại tràng nghỉ ngơi bằng cách bệnh nhân nhịn ăn hoặc ăn ít trong vài ngày, sau đó dùng thức ăn lỏng, nhiều chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ) cho tới khi hết đau hẳn.

Với bệnh viêm túi thừa nặng, thường xuyên tái phát: Nếu viêm túi thừa đại tràng nặng, cơn đau nhiều, bệnh nhân cần được điều trị nội trú tại viện. Nếu không giảm bệnh sau 3 ngày dùng kháng sinh, bị viêm ruột, có túi mủ, viêm phúc mạc thì cần phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng có túi thừa bị viêm. Có 2 loại phẫu thuật là cắt ruột một thì và cắt ruột hai thì + làm hậu môn nhân tạo. Với cắt ruột một thì, bác sĩ sẽ cắt phần ruột chứa túi thừa, sau đó nối lại các đoạn ruột già không bị viêm, cho phép nhu động ruột bình thường. Còn cắt ruột 2 thì và làm hậu môn nhân tạo được chỉ định cho bệnh nhân viêm đại tràng nặng, bác sĩ không thể nối đại tràng và trực tràng trong lần mổ đầu tiên. Khi phẫu thuật bác sĩ sẽ mở một lỗ trên thành bụng, nối ruột già vào đó để đưa chất thải ra ngoài. Sau vài tháng, khi tình trạng viêm đã lành, bác sĩ sẽ phẫu thuật lần 2 để nối lại phần ruột đã cắt.

Cách phòng bệnh viêm túi thừa

Theo các chuyên gia y tế, để ngăn ngừa bệnh viêm túi thừa, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

  • Nên ăn nhiều chất xơ: khoai lang, cà rốt, cam, táo, các loại hạt đậu, bơ…Chất xơ làm tăng nhu động ruột, hạn chế sự hình thành của túi thừa, giảm sự phát triển của túi thừa đã có sẵn trong lòng đại tràng.
  • Uống nhiều nước: mỗi ngày uống 1,5-2 lít nước có tác dụng làm mềm phân trong ruột già, giảm hiện tượng táo bón.
  • Tập thể dục đều đặn: Vận động hợp lý rất tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa viêm và nhiễm trùng túi thừa, giảm áp lực ruột già, hạn chế đa các bệnh về đường ruột.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để tự bảo vệ mình.
  • Hạn chế đồ ăn mặn, cay, nóng, nước uống có gas gây khó khăn cho hệ tiêu hóa, tăng nguy cơ viêm túi thừa.