Tin tức

SỐT XUẤT HUYẾT: CHỚ TÙY TIỆN TRUYỀN DỊCH

02/09/2019   7868 lượt xem

Sốt xuất huyết là cái tên không còn xa lạ đối với mọi người. Bệnh đang có xu hướng lan truyền thành dịch và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Sốt xuất huyết là gì?

Bệnh sốt xuất huyết dengue (SXH) là bệnh nhiễm vi rút dengue cấp tính do muỗi Aedes aegypti (thường gọi là muỗi vằntruyền.

Hình ảnh muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là cái tên không còn xa lạ đối với mọi người. Bệnh đang có xu hướng lan truyền thành dịch và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Sốt xuất huyết có cần truyền nước không?

Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có nguy cơ bị thiếu dịch do hiện tượng tăng tính thấm thành mạch, dẫn đến hiện tượng thoát dịch ra gian bào. Do đó, các bệnh nhân sốt xuất huyết cần được bù đủ một lượng dịch cần thiết. Tuy nhiên truyền loại dịch gì, phương thức truyền như thế nào cho đúng, cho an toàn là thuộc về chỉ định của bác sĩ điều trị.

  • Những bệnh nhân bị sốt, tiêu chảy, mất nước nói chung nên được bù nước bằng đường uống nếu có thể. Việc sốt xuất huyết có truyền nước được không phải cân nhắc vào từng giai đoạn và mức độ cụ thể của từng bệnh nhân.
  • Trong giai đoạn sốt cao (khoảng 2-3 ngày đầu của bệnh), tốt nhất người bệnh nên bổ sung nước bằng cách uống dung dịch oresol hoặc nước hoa quả, để bổ sung cả nước và các chất điện giải.
  • Đối với giai đoạn biến chứng nguy hiểm (khoảng 4-6 ngày tiếp theo), nếu nhận thấy bệnh nhân có tình trạng thoát dịch, mất nước nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định truyền dịch với liều lượng và chủng loại phù hợp tùy theo phác đồ.
  • Sang đến giai đoạn hồi phục (từ ngày 7 trở đi), bệnh nhân đã có khả năng tái hấp thu để bù lại lượng dịch đã thoát trong các giai đoạn trước, do đó cần tránh tuyệt đối truyền dịch.

Như vậy, sốt xuất huyết có truyền dịch được không cần được bác sĩ xem xét và chỉ định thực hiện. Tránh việc tự ý truyền dịch bừa bãi, dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Nguy cơ khi tự ý truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết

Nhiều người thấy triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, rã rời, không thể ăn uống, tâm lý hoang mang, lo lắng nên nghĩ đến việc gọi y sĩ về nhà thực hiện truyền dịch. Trong khi đó, hiện tượng người bệnh tự truyền dịch chỉ vì thấy sốt cao, mệt mỏi là rất nguy hiểm, đặc biệt với bệnh nhân có dấu hiệu sốt xuất huyết, bởi nguy cơ sốc có thể xảy ra, rất nguy hiểm. Khi đã có biểu hiện sốc, rất khó để có thể cứu sống bệnh nhân.

Ngay cả những trường hợp sốt xuất huyết cần phải nhập viện theo dõi, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng sẽ chỉ định truyền dịch. Nếu có truyền, tốc độ truyền cũng phải điều chỉnh khác nhau tùy theo ca bệnh, đặc biệt là ở bệnh nhi.

Không được tự ý truyền nước tại nhà đối với bệnh nhân sốt xuất huyết

Trong khi bị sốt xuất huyết, tuy có giai đoạn bị mất dịch (thường 3 ngày đầu) nhưng cũng có giai đoạn cuối xảy ra hiện tượng tái hấp thu dịch, nếu truyền dịch trong thời gian này sẽ gây ra hiện tượng thừa dịch, dẫn đến phù phổi và các biến chứng nguy hiểm.

Vì vậy, việc tính toán tốc độ truyền, truyền như thế nào, dịch truyền là gì sẽ do bác sĩ chỉ định trên từng bệnh nhân cụ thể, chứ không được tùy tiện muốn là truyền, sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Việc kiểm soát các biến chứng cũng dễ hơn nếu do bác sĩ thực hiện. Chẳng hạn, nếu bệnh nhân đột nhiên có biểu hiện cô đặc máu, bác sĩ có thể điều chỉnh dịch lại cho phù hợp, cân nhắc dùng dung dịch cao phân tử để giữ nước, tránh gây thoát dịch.

Tóm lại, việc truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết phải theo đúng phác đồ. Người bệnh không được tự ý truyền nước, đạm, hay máu. Ngay cả với tiểu cầu, bác sĩ cũng ít khi chỉ định truyền, chỉ khi nào mức tiểu cầu hạ thấp dưới 10, hay thậm chí dưới 5 kèm theo dấu hiệu xuất huyết thì bác sĩ mới chỉ định truyền.

 

Liên hệ ngay để được tư vấn và đặt lịch: 1900 96 96 38 hoặc 024 2214 7777