NHỮNG HIỂU BIẾT SAI LẦM VỀ BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mang đến những biến chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, tụt huyết áp...Hiện nay, vẫn còn nhiều người có những nhận thức không đúng về bệnh dẫn đến những hậu quả khôn lường cho tính mạng
Sốt xuất huyết bị một lần sẽ không bị lại
Đây là một nhận thức hoàn toàn sai lầm. Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 týp được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 týp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng týp, cho nên một người có thể mắc sốt xuất huyết đến lần thứ 2 hoặc thứ 3, thậm chí vẫn có thể mắc đến lần thứ 4. Và lần mắc sau thường nặng hơn lần mắc trước.
Giảm sốt là hết bệnh
Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà.
Từ ngày thứ 4 là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước, nhiều người bệnh hay cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng.
Sốt xuất huyết biến chứng gây chảy máu chân răng
Biến chứng thứ nhất: Là tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu. Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được điều này mà nó chỉ thể hiện qua các chỉ số xét nghiệm. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định có phải truyền dịch cho bệnh nhân hay không.
Những trường hợp thoát mạch quá nhiều có thể sẽ dẫn tới dấu hiệu cảnh báo trước sốc như: Mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn. Ở trẻ nhỏ có thể chỉ thấy trẻ li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Những trường hợp này cần phải đến bệnh viện gần nhất ngay để bù dịch, tránh nguy hiểm tính mạng.
Biến chứng thứ hai: Xuất huyết do giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da… Những bệnh nhân này cần đến các cơ sở y tế làm các xét nghiệm đánh giá mức độ giảm tiểu cầu như thế nào để thầy thuốc cân nhắc truyền tiểu cầu nếu cần.
Tiếp xúc với người bị sốt xuất huyết sẽ lây bệnh
Nhiều người vẫn nghĩ rằng sốt xuất huyết có thể lây qua đường hô hấp hay qua tiếp xúc trực tiếp nhưng thực tế không phải như vậy. Sốt xuất huyết chỉ lây qua đường máu đặc biệt qua con đường muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Muỗi truyền bệnh chỉ xuất hiện ở những nơi ao tù nước đọng
Muỗi vằn truyền bệnh có thể gặp ở bất cứ đâu
Mọi người hay nhầm tưởng chỉ những nơi cống rãnh, mất vệ sinh, ao tù là địa điểm sinh sôi, cư trú của muỗi vằn. Nhưng không phải, muỗi vằn cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay trong chính ngôi nhà chúng ta ở như: bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên ban thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ trên xóm ngõ hoặc sân thượng...
Vì vậy, cần chú ý thay nước, rửa dọn đồ vật trong nhà, không để nước lưu cữu sẽ là môi trường cho bọ gậy phát triển, sinh nở thành muỗi vằn. Trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Vì vây, khi phun hóa chất diệt muỗi, cần phun ở tất cả các tầng trong nhà, nhằm diệt hết được đàn muỗi, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ tầng dưới lên tầng trên, từ nhà này sang nhà khác.
Các tin khác
- DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT VÀO MÙA (07/07/2019)
- TẠI SAO NÊN KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ (05/07/2019)
- THIÊN ĐỨC - KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI VÌ LỢI ÍCH NGƯỜI BỆNH (05/07/2019)
- VIÊM NHIỄM PHỤ KHOA: LÀM SAO ĐỂ PHÒNG NGỪA? (05/07/2019)
- DẤU ẤN CỦA BV THIÊN ĐỨC TRONG LÒNG NGƯỜI DÂN HÀ ĐÔNG (04/07/2019)
- KHÁM SỨC KHỎE HỒ SƠ XIN VỆC (03/07/2019)
- SỎI THẬN NÊN ĂN GÌ? (03/07/2019)
- VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU KHI MANG THAI (03/07/2019)
- SỎI TIẾT NIỆU CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? (03/07/2019)
- SỐT XUẤT HUYẾT Ở NGƯỜI LỚN - CHỚ COI THƯỜNG (03/07/2019)