Tin tức

DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT BÙNG PHÁT THỜI ĐIỂM GIAO MÙA

28/09/2021   867 lượt xem

Tình hình covid -19 vẫn đang diễn ra phức tạp, song song với việc phòng chống dịch covid -19 thì dịch sốt xuất huyết đang bùng phát khiến mọi người lo lắng không kém. Do đó người dân cũng cần trang bị kiến thức và phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết

Tháng 7 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn - trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Nếu không có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả sẽ dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh nhiễm vi rút Dengue (DEN) cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Hai loại muỗi truyền bệnh SXH là Aedes Aegypty và aedes albopictus. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Thống kê đến ngày 20/9 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, thành phố ghi nhận 724 ca sốt xuất huyết cộng dồn trong năm 2021. Số người mắc có xu hướng tăng từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 với khoảng 60-70 ca một tuần, trong khi tháng 6-7 chỉ ghi nhận 30-40 ca một tuần. Song, mặt bằng chung, số ca mắc vẫn giảm 46% so với cùng kỳ năm 2020. Đại diện CDC Hà Nội nhận định hiện tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn chưa có diễn biến phức tạp, tuy nhiên nguy cơ có thể gia tăng, nhất là vào mùa mưa, tháng 10-11.

1. Phân loại các mức độ của sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ (Theo Tổ chức Y tế Thế - WHO năm 2009):

2. Dấu hiệu nhận diện từng mức độ sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện khá đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Cần lưu ý giai đoạn sốt tương ứng với thể bệnh sốt xuất huyết Dengue thông thường, nếu đã chuyển qua giai đoạn nguy hiểm tức là đã chuyển qua mức độ của thể bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng. Khi đó cần phải cho bệnh nhân nhập viện ngay vì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh sẽ giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.

Giai đoạn sốt

Giai đoạn sốt sẽ xuất hiện sau thời gian ủ bệnh, kéo dài từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt.

  • Bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.
  • Đau đầu dữ dội ở vùng trán, nhức hai hố mắt sau nhãn cầu.
  • Có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết.
  • Chán ăn, buồn nôn.
  • Đau cơ, đau khớp.
  • Nghiệm pháp dây thắt dương tính.

Giai đoạn nguy hiểm

Thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Nhiệt độ giảm không nhất thiết có nghĩa là người bệnh đang hồi phục, ngược lại cần phải đặc biệt theo dõi biểu hiện của sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo và tiến triển thành sốt xuất huyết dengue nặng.

  • Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ); tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, nề mi mắt, gan to, có thể đau. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 25 mmHg), tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.
  • Xuất huyết: Xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Xuất huyết nội tạng như: Tiêu hóa, phổi, não là biểu hiện nặng (nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng).
  • Một số trường hợp sốt xuất huyết dấu hiệu nặng có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.
  • Đau bụng, buồn nôn, tay chân lạnh, vật vã hốt hoảng (đây là hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu và tụt huyết áp), cần phải cấp cứu nhanh chóng.

Giai đoạn hồi phục

Khoảng 24 - 48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm, cơ thể bệnh nhân có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch, giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng 48 - 72 giờ.

  • Bệnh nhân hết sốt, tổng trạng tốt lên, thèm ăn uống trở lại, huyết động ổn định và đi tiểu nhiều.
  • Có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ.
  • Trong giai đoạn này, nếu truyền dịch quá mức cho bệnh nhân có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.

3. Cách phòng chống dịch sốt xuất huyết

Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Do bệnh lây từ người sang người qua đường muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi. Theo khuyến cáo của bác sĩ Bệnh viện ĐKQT Thiên Đức, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất như sau:

  • Loại bỏ vật trung gian truyền bệnh đó là muỗi Aedes. Người dân tham gia diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy quanh khu vực mình sinh sống.
  • Thường xuyên vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết bằng những công việc như: đậy kín các dụng cụ chứa nước, không để cho muỗi vào đẻ trứng, Cọ rửa và thay nước ít nhất 1 tuần/lần với các dụng cụ chứa nước xô, chum vại, lọ hoa, bể chứa đựng nước, đặc biệt lưu ý các loại cây cảnh thủy sinh trong nhà cũng cần được thay nước và cọ rửa bình 1 tuần/lần. 
  • Đối với các dụng cụ chứa nước lớn hay các bể chứa nên thả cá ăn bọ gậy, người dân cần thực hiện thu gom, hủy bỏ các loại phế thải có thể chưa nước như lốp xe cũ, chai lọ, vỏ đồ hộp, gáo dừa…
  • Mỗi người dân cần phòng chống muỗi đốt bằng các biện pháp như: dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, không treo quần áo trên tường để giảm bớt chỗ trú ngụ của muỗi. 
  • Ngủ màn kể cả ban ngày. Làm rèm che cửa để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà.
  • Do muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động mạnh hơn vào ban ngày, đặc biệt lúc sáng sớm và chiều tối nên người dân cần mặc quần dài, áo dài tay đặc biệt khi làm vườn, ngủ màn kể cả ban ngày.
  • Sử dụng các loại thuốc bôi chống muỗi trong những khung giờ sáng sớm và chiều tối, phun hóa chất diệt muỗi định kì tại nhà.

Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm với nguy cơ biến chứng rất cao, do vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân yêu thì mỗi người hãy chủ động tìm hiểu về căn bệnh này và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số Hotline 1900 969638 hoặc 024 2214 7777