DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT BÙNG PHÁT: DẤU HIỆU VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận trên 65.000 trường hợp mắc. Một số địa phương như Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ, Tây Ninh, gần nhất là Hà Nội và TP.HCM cũng đã ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Thời tiết hiện nay đang là thời điểm thuận lợi cho sự phát triển và gia tăng mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, nguy cơ số mắc tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Các tỉnh, thành phố liên tục ghi nhận số mắc sốt xuất huyết hàng tuần cao gồm: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận trên 65.000 trường hợp mắc, 7 ca tử vong, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm 2019, tử vong giảm 32 trường hợp (giảm 82%).
Trước tình hình sốt xuất huyết mùa năm 2020 có diễn biến nguy hiểm với biến chứng nặng liên tục gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo, ngoài các biện pháp chủ động phòng ngừa dịch bệnh thì việc phát hiện sớm và chăm sóc, theo dõi bệnh nhân sốt xuất huyết đúng cách rất quan trọng.
Sốt xuất huyết là gì?
Bệnh sốt xuất huyết Dengue là loại bệnh mắc phải khi nhiễm virus Dengue do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm bệnh. Căn bệnh này đã được ghi nhận từ thế kỷ XIII, đã xảy ra trên 100 nước với số ca nhiễm bệnh lên đến 50-1000 ca mỗi năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp sốt xuất huyết vào nhóm những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần được quan tâm.
Triệu chứng sốt xuất huyết
Ở thể bệnh nhẹ, bệnh nhân có các triệu chứng:
-Sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt.
-Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.
-Có thể có nổi mẩn, phát ban.
Ở thể bệnh nặng, bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
-Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).
-Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
3 giai đoạn tiến triển của bệnh sốt xuất huyết
Giai đoạn 1: Các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường. Người bệnh bị sốt cao 39-40 độ C một cách đột ngột trong 1 hoặc 2 ngày đầu. Cần phải đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để làm xét nghiệm Dengue NS1 Ag ngay và nhanh chóng điều trị nếu nhận kết quả dương tính.
Giai đoạn 2: Từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, giai đoạn rất nguy hiểm, các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết bắt đầu được nhận thấy như: Xuất huyết dưới da ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi; chảy máu cam; chảy máu chân răng. Những biến chứng nặng hơn sẽ xuất hiện tiếp theo là: Bệnh nhân có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường.
Giai đoạn 3: Giai đoạn hồi phục, người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.
6 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết
- Chảy máu: Xuất hiện các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều bất thường/chảy máu âm đạo.
- Nôn liên tục.
- Đau bụng dữ dội.
- Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật.
- Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm.
- Khó thở.
Ngoài ra, nếu bệnh nhân có tình trạng sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt thông thường, cũng nên đến bệnh viện để được xử trí càng sớm càng tốt.
Các trường hợp có tiểu cầu hạ thấp cũng cần vào viện để theo dõi, tránh nguy cơ chảy máu, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng.
3 xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán sốt xuất huyết
- Xét nghiệm NS1: Được chỉ định làm từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 của bệnh để xác định chính xác kháng nguyên của virus.
- Xét nghiệm kháng thể IgM: Được chỉ định từ ngày thứ 6 trở đi, nhằm xác định kháng thể của cơ thể người bệnh chống lại virus trong giai đoạn cấp tính.
- Xét nghiệm kháng thể IgG: Để xác định kháng thể của cơ thể người bệnh bảo vệ lâu dài.
Phòng bệnh sốt xuất huyết
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, chai, lọ… để muỗi không vào đẻ trứng.
- Thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.
- Loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Các tin khác
- MỘT SỐ LƯU Ý CHỤP CT CÓ CẢN QUANG (11/01/2022)
- CÁC PHƯƠNG PHÁP TÁN SỎI TIẾT NIỆU HIỆU QUẢ (31/12/2021)
- KỶ NIỆM 90 NĂM THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM (20/10/2020)
- TẬP HUẤN, THỰC TẬP PHƯƠNG ÁN PCCC, CỨU HỘ, CỨU NẠN TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUỐC TẾ THIÊN ĐỨC (18/10/2020)
- NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VIÊM GAN B Ở TRẺ SƠ SINH (22/09/2020)
- BIẾN CHỨNG DO RĂNG KHÔN MỌC LỆCH (21/09/2020)
- HƠN MỘT NỬA DÂN SỐ MẮC BỆNH TRĨ, BỆNH TRĨ CÓ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG? (20/09/2020)
- TẠI SAO VIÊM LOÉT DẠ DÀY THƯỜNG TÁI PHÁT? (17/09/2020)
- NGUYÊN NHÂN LOÉT DẠ DÀY Ở TRẺ EM? (11/09/2020)
- VIÊM AMIDAN QUÁ PHÁT CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? (10/09/2020)