Tin tức

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BÁNH NHAU TRONG THAI KỲ

03/06/2020   4398 lượt xem

Nhau thai đóng vai trò trung gian giúp hấp thu dinh dưỡng từ mẹ và cung cấp cho bào thai đang phát triển. Nhau thai giúp vận chuyển dinh dưỡng từ cơ thể mẹ đến bào thai. Chất dinh dưỡng đầu tiên đi qua nhau thai, sau đó đi vào dây rốn và sau đó đi vào cơ thể của em bé.

Vị trí của bánh nhau trong tử cung?
Nhau thai bám vào thành tử cung, thường là phía trên, bên cạnh, phía trước hoặc phía sau tử cung, và dây rốn của bé mọc ra từ nó. Trong một số trường hợp hiếm, nhau thai có thể bám vào phần dưới tử cung (nhau tiền đạo).

Tác nhân ảnh hưởng đến nhau thai trong suốt thai kỳ

  • Tuổi của bà mẹ: Một số vấn đề của nhau thai thường gặp hơn ở những thai phụ có tuổi, đặc biệt sau tuổi 40.
  • Vỡ ối sớm: Suốt thai kỳ, bé của mẹ được bao bọc bởi một màng chứa dịch gọi là túi ối. Nếu túi bị rò hoặc vỡ trước khi mẹ chuyển dạ, nguy cơ của một số vấn đề của nhau sẽ tăng lên
  • Tăng huyết áp: người mẹ bị tăng huyết áp sẽ gây ảnh hưởng đến nhau thai.
  • Song hoặc đa thai: Nếu người mẹ đang mang thai nhiều hơn một bé, nguy cơ nhau thai có vấn đề sẽ tăng lên.
  • Rối loạn đông máu: Bất kì tình trạng nào làm suy yếu khả năng đông máu hoặc làm tăng khả năng đông máu sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề về nhau thai.
  • Phẫu thuật tử cung trước đó: Nếu người mẹ từng có can thiệp ngoại khoa vào tử cung, như phẫu thuật mổ lấy thai hoặc bóc u xơ thì rất có nguy cơ cao mắc các vấn đề liên quan đến nhau thai
  • Những vấn đề của nhau thai trước đây: Nếu trong lần mang thai trước đã có vấn đề của nhau thai, rất có thể có nguy cơ cao sẽ gặp lại các vấn đề tương tự.
  • Lạm dụng thuốc: Một số vấn đề nhau thai thường gặp ở các phụ nữ hút thuốc hoặc sử dụng thuốc bất hợp pháp như cocaine suốt thai kỳ.
  • Chấn thương bụng: ngã hoặc va chạm khác làm tăng nguy cơ nhau bị tách rời khỏi tử cung (bóc tách nhau thai hay nhau bong non)

Những bệnh lý có thể gặp của nhau thai trong thai kì?

  • Nhau bong non (Placental abruption): Tỉ lệ nhau bong non chiếm khoảng 0,5% thai phụ. Nếu nhau bị tróc ra khỏi thành tử cung trước khi sinh, dù là một phần hay hoàn toàn, tước nguồn cung oxy và dinh dưỡng của bé và làm mẹ chảy máu nghiêm trọng. Nhau bong non dẫn đến tình trạng cấp cứu cần sinh bé sớm hơn dự kiến.
  • Nhau tiền đạo (Placenta previa): Tình trạng này xảy ra khi nhau thai lấp một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung – cổng ra của tử cung. Nhau tiền đạo thường xuất hiện vào những tháng đầu thai kỳ và có thể cải thiện khi tử cung phát triển. Nhau tiền đạo có thể gây chảy máu âm đạo nghiêm trọng suốt thai kỳ và lúc lâm bồn. Việc kiểm soát vấn đề này phụ thuộc vào lượng máu mất, nếu ngừng xuất huyết, bạn đang ở giai đoạn nào của thai kỳ, vị trí của nhau thai, sức khỏe của mẹ và thai nhi. Nếu nhau tiền đạo dai dẳng vào ba tháng cuối thai kỳ, bác sĩ sản khoa sẽ khuyến cáo mổ lấy thai. Tỉ lệ nhau tiền đạo chiếm khoảng 0,5% tổng số phụ nữ mang thai, những người mổ lấy thai càng nhiều lần nguy cơ mắc nhau tiền đạo càng cao, ở những phụ nữ mổ lấy thai từ 4 lần trở lên, tỉ lệ này chiếm 10%.
  • Nhau cài răng lược: Tình trạng này xảy ra khi các mạch máu và các bộ phận khác của nhau thai phát triển sâu vào thành tử cung. Thông thường, nhau thai tự tách khỏi thành tử cung sau sinh, nhưng với nhau cài răng lược, một phần hoặc toàn bộ nhau thai vẫn dính chặt vào tử cung, gây mất máu nghiêm trọng sau sinh có thể dẫn tới tử vong. Bác sĩ sản khoa sẽ khuyến cáo mổ lấy thai và cắt toàn bộ tử cung. Trong các trường hợp nghiêm trọng, nhau thai xâm nhập vào cơ tử cung hoặc phát triển xuyên qua thành tử cung. Tỉ lệ nhau cài răng lược chiếm khoảng 0,35% thai phụ, tuy nhiên tỉ lệ này sẽ tăng lên ở những thai phụ nhiều tuổ, có tiền sử mổ lấy thai, mổ lấy thai nhiều lần.
  • Sót nhau thai (Retained placenta): Nếu nhau thai không được đẩy hoàn toàn ra khỏi buồng tử cung trong vòng 30 phút sau sinh được gọi là sót nhau thai. Sót nhau có thể xảy ra bởi nhau bị mắc kẹt do cổ tử cung đóng một phần hoặc nhau vẫn còn bám vào thành tử cung – dù bám nông (nhau dính) hay bám sâu (nhau cài răng lược). Nếu không được can thiệp, sót nhau có thể gây nhiễm trùng nặng hoặc mất máu nhiều đe dọa tính mạng của sản phụ.

Thăm khám bác sĩ chuyên khoa thường xuyên suốt thai kỳ

  • Thăm khám với bác sĩ để kiểm soát bất kỳ vấn đề sức khỏe nào như cao huyết áp
  • Không hút thuốc hoặc dùng thuốc bất hợp pháp
  • Tham khảo ý kiến chuyên môn trước khi quyết định mổ lấy thai chủ động

Nếu đã mắc phải vấn đề về nhau thai trong thai kỳ trước và đang lên kế hoạch có thêm em bé, hãy thăm khám bác sĩ để được tư vấn các phương pháp giảm nguy cơ mắc phải lần nữa. Lưu ý thông báo cho bác sỹ nếu đã từng phẫu thuật tử cung và trình bày để được theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ.