Tin tức

KHI NÀO MẸ BẦU SINH THƯỜNG PHẢI CHUYỂN SANG SINH MỔ

26/05/2020   11686 lượt xem

Hầu hết mẹ bầu mong muốn sinh thường nhưng hiện có không ít thai phụ được bác sĩ chỉ định sinh mổ nhằm giảm thiểu tỉ lệ rủi ro và đảm bảo sức khỏe mẹ và bé trong quá trình vượt cạn.

Hầu hết các bà bầu luôn được khuyến cáo nên sinh thường để con sinh ra được khỏe mạnh, người mẹ cũng mau chóng được phục hồi hơn. Những trường hợp mẹ bầu được chẩn đoán là sẽ gặp khó khăn khi sinh, từng sinh mổ, thai to… các bác sĩ đành phải chỉ định mẹ bầu sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.


1. Khi nào chỉ định sinh thường?

  • Sức khỏe của người mẹ tốt, đủ khả năng để có thể vượt cạn thành công.
  • Người mẹ không mắc các yếu tố cản trở đường ra của thai nhi như u xơ tử cung, u tiền đạo...
  • Mẹ không bị mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục tiết niệu như lậu, giang mai, sùi mào gà...
  • Sức khỏe của thai nhi tốt, không bị sa dây rốn, không bị dây cuốn cổ, không bị suy thai.

Lưu ý các trường hợp đã từng sinh mổ trước đó, chỉ được phép sinh thường khi đã được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và đảm bảo đủ sức khỏe để có thể sinh thường.
Ưu điểm của sinh thường:
Sinh thường, cơ thể người mẹ phục hồi nhanh hơn so với sinh mổ, sau sinh người mẹ có thể đi lại bình thường, có thể chăm sóc con và cho con bú ngay sau sinh 2 giờ đầu. 
Nghiên cứu đã cho thấy ở ống sinh sản của người mẹ có những vi khuẩn có lợi cho cơ thể trẻ và khi trẻ được ra ngoài bằng quá trình ngã âm đạo, trẻ sẽ được tiếp nhận những vi khuẩn có lợi này, đồng thời làm tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Cấu tạo thành âm đạo của người phụ nữ vốn hẹp nên trong quá trình sinh đẻ, các cơn co bóp của tử cung âm đạo cũng sẽ tác động lên lồng ngực của trẻ như một động tác làm thúc đẩy làm nang phổi mở rộng, tống dịch phổi ra ngoài và tạo điều kiện cho quá trình hô hấp tự động của trẻ ngay sau sinh.

Nhược điểm sinh thường
Sinh thường người mẹ sẽ mất sức hơn rất nhiều thậm chí có thể bị kiệt sức sau sinh và nguy cơ rạch tầng sinh môn. Quá trình chuyển dạ có thể xảy ra đột ngột bất cứ lúc nào mà không có sự chuẩn bị trước. Sinh thường nguy cơ trẻ bị ngạt cao hơn sinh mổ. Và trong quá trình sinh thường nếu có xảy ra biến cố thì việc xử lý sẽ khó khăn hơn so với việc sinh mổ.
2. Khi nào chỉ định sinh mổ?

  • Sức khỏe của mẹ yếu
  • Sản phụ có khung chậu bất thường.
  • Vị trí thai nhi không thuận lợi cho sinh thường như ngôi ngược, thai nằm ngang, ngôi mông...
  • Người mẹ mắc các chứng bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục như lậu, giang mai, sùi mào gà...hoặc u xơ tử cung, u tiền đạo gây cản trở đường ra của trẻ.
  • Đã chuyển dạ nhưng tử cung không co bóp hoặc lực và tần suất co bóp quá yếu, không đảm bảo cho cuộc sinh thường được diễn ra thuận lợi.
  • Đã có tiền sử mổ đẻ trước đó và hiện tại vết mổ cũ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn hoặc có nguy cơ tiền sản giật.
  • Thai quá to (Thường chỉ định mổ khi thai nặng từ 4kg trở nên).
  • Các trường hợp suy thai, sinh non hay đa thai.

3. Những trường hợp sinh thường chuyển sinh mổ?
Các trường hợp đang sinh thường chuyển sang sinh mổ bao gồm:
Từ phía người mẹ:
Mẹ đủ sức khỏe sinh thường nhưng bị cạn ối. Điều này sẽ làm giảm hoạt động của thai nhi trong quá trình ra ngoài, đồng thời sẽ làm giảm khả năng co bóp của cơ tử cung. Cần chuyển sinh mổ ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho bé.
Sản phụ bị kiệt sức do quá trình chuyển dạ xảy ra trong thời gian quá dài.
Đang trong quá trình chuyển dạ thì đột nhiên ngừng các cơn co tử cung, cơn đau đẻ chấm dứt. Nếu để kéo dài tình trạng này sẽ gây ngạt cho trẻ nên cần chuyển sinh mổ ngay.
Có dấu hiệu xuất hiện của các tai biến sản khoa như: tiền sản giật, tăng huyết áp thai kỳ, vỡ tử cung...
Từ phía thai nhi:
Bé bị ngạt do dây rốn quấn cổ. Có những trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn cổ 1-2 vòng có thể sinh thường được nhưng trong quá trình chuyển dạ, do sự chuyển động của bé có thể khiến dây rốn bị xiết chặt lại ở cổ làm tăng nguy cơ bị ngạt do thiếu oxy. Cần chỉ định mổ kịp thời để giữ an toàn cho đứa trẻ.
Thai suy trong chuyển dạ là tình trạng thai nhi không nhận được đủ oxy trong quá trình chuyển dạ có thể dẫn đến thai lưu hoặc các biến chứng về thần kinh sau sinh như chậm phát triển, động kinh... Nếu phát hiện có dấu hiệu suy thai trong quá trình chuyển dạ hãy chỉ định sinh mổ ngay để đảm bảo tính mạng cho cả hai mẹ con và hạn chế tối đa biến chứng sau này.
Đầu hoặc thai quá to: trong quá trình sinh ngã âm đạo, sự giãn nở tầng sinh môn là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc đưa trẻ ra ngoài. Tuy nhiên sự giãn nở này cũng chỉ có giới hạn nhất định, đối với những thai nhi nặng trên 4kg hoặc đầu của thai nhi quá to, việc sinh thường sẽ vô cùng khó khăn, gây rách tầng sinh môn, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và nếu quá trình chuyển dạ kéo dài có thể khiến trẻ bị ngạt. Vậy nên chuyển sinh mổ là lựa chọn tối ưu nhất.


Biến chứng sau sinh mổ:

  • Sốt có thể xuất hiện trong 24-48 giờ sau sinh mổ. Nếu sốt trên 48 giờ nên báo với bác sĩ và chuyên viên y tế để tìm ra nguyên nhân và xử lý kịp thời. Hiện tượng cương sữa là hiện tượng thường gặp sau sinh mổ xảy ra ở ngày thứ 3 thứ 4 sau khi sinh gây đau tức ngực thậm chí có thể sốt và nổi hạch nếu kéo dài.
  • Có thể bị viêm nhiễm hoặc tụ máu ở vết mổ. Sẹo có thể hình thành tại vết mổ gây mất thẩm mỹ, đồng thời sẽ gây khó khăn cho những lần đẻ sau.
  • Bế sản dịch hay còn gọi là tụ sản dịch trong lòng tử cung do sinh mổ làm giảm khả năng co hồi của tử cung từ đó làm giảm quá trình tống sản dịch bên trong tử cung ra ngoài, lâu ngày ứ lại mà gây viêm, nhiễm khuẩn. Có thể gây nhiễm trùng đến các bộ phận xung quanh

Sinh thường luôn là hình thức được các bác sĩ khuyến khích do có nhiều lợi ích về sức khỏe cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp mang thai đều có thể sinh thường. Nếu trong quá trình sinh ngã âm đạo có gặp khó khăn, các bác sĩ buộc phải chỉ định sinh thường chuyển sinh mổ để đảm bảo an toàn về tính mạng và sức khỏe cho mẹ và bé