Tin tức

KHI NÀO PHẢI CẮT AMIDAN?

29/11/2021   3015 lượt xem

Viêm amidan là bệnh thường gặp trong các bệnh lý tai-mũi-họng, bệnh thường tái đi tái lại, dễ biến chứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và làm việc.

Amidan là những tế bào lympho để bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Amidan cũng là nơi sản xuất kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch. Amidan là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh từ 4-10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa.

Khi vi khuẩn ồ ạt xâm nhập và tấn công mũi họng, amidan phải chống lại, vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng bị viêm sưng, đỏ. Hậu quả của sự tập trung tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại xác vi khuẩn và xác bạch cầu, mô hoại tử thành các cục mủ rất hôi, lâu lâu rớt ra khỏi amidan. Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, do chính các ổ viêm nằm trong amidan, lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng. Viêm amidan chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em, thường do vi khuẩn gây ra.

Dấu hiệu nhận biết viêm amidan sớm nhất?
Khô họng, hơi thở có mùi: Do các vi khuẩn tích tụ trong hố amidan và các dịch mủ tồn đọng trong hố amidan gây tắc nghẽn và thường đi kèm với một số triệu chứng như hơi thở có mùi, khô họng, ngứa họng, cảm giác họng có dị vật.



Amidan phì đại: Thường gặp ở trẻ em và có một số triệu chứng như khó khăn trong việc nuốt, giọng nói không rõ ràng, hệ hô hấp không thông thoát hoặc ngáy khi ngủ. Nếu như amidan phì đại quá mức có thể gây ra việc rối loạn cộng hưởng hơi thở, tiếng nói và việc nuốt.

Biểu hiện toàn thân: Amidan và vòm miệng cuống lưỡi có hiện tượng xuất huyết, trong hốc miệng có thấy những chấm mủ trắng, hoặc vàng. Bệnh nhân có hạch bạch huyết trong cổ, đặc biệt là hạch bạch huyết ở thành sau hàm dưới đỏ và sưng to và đau. Lượng tế bào bạch huyết tăng đáng kể.

Phản ứng phụ gây hại toàn cơ thể: Khi bị viêm amidan, các chất dịch tiết ra và đi xuống dạ dày, từ đó các độc tố tiết ra được hấp thụ và gây phản ứng phụ toàn thân như: sốt, khó tiêu hóa, chán ăn, mệt mỏi, sút cân, đau đầu và một số triệu chứng khác.

Trường hợp cần cắt Amidan

Theo bác sĩ, không phải lúc nào cũng cần cắt Amidan. Khi tình trạng viêm ở giai đoạn cấp tính, bệnh nhân có thể điều trị nội khoa bằng các loại thuốc giảm triệu chứng. Chỉ trong những trường hợp sau, bác sĩ mới chỉ định cắt Amidan:

  • Bệnh nhân bị viêm Amidan tái nhiễm khoảng 5 – 6 lần/năm
  • Khi bị viêm Amidan, người bệnh gặp những biến chứng nhưng viêm tai giữa, viêm xoang, hoặc nghiêm trọng hơn là những biến chứng nặng như thấp tim, viêm khớp hoặc viêm cầu thận.
  • Amidan bị quá phát, khiến cho việc ăn uống khó khăn, bệnh nhân có thể bị ngủ ngáy hoặc ngưng thở trong khi ngủ, nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần khiến cho chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng
  • Amidan có chứa nhiều ngóc ngách, là nơi vi khuẩn trú ngụ và chứa chất gây hôi miệng.

Chăm sóc sau khi cắt Amidan

  • Ăn những đồ lỏng và mềm trong vài ngày đầu để vết thương có thời gian lành như: cháo, súp, canh, sữa…
  • Tránh ăn những đồ ăn, nóng, có cạnh sắc như khoai tây chiên…vì có thể gây tổn thương cho vùng amidan.
  • Không uống nước ép trái cây (vì trong trái cây có chất acid có thể khiến cổ họng bị tổn thương)
  • Người bệnh cần nghỉ ngơi trong phòng 1 – 2 ngày sau đó vận động nhẹ nhàng sau đó vài ngày khi cơ thể đã dần thoải mái hơn.
  • Hạn chế tiếp xúc với nơi đông người và không tiếp xúc với những người có bệnh lý về tai mũi họng.