Tin tức

ĐAU NHỨC XƯƠNG KHỚP KHI THAY ĐỔI THỜI TIẾT

22/11/2021   2983 lượt xem

Khi thời tiết thay đổi những người bệnh xương khớp phải đối mặt với cơn đau khó chịu, dai dẳng, ảnh hưởng không ít đến cuộc sống.

Viêm khớp là một trong những bệnh lý về khớp thường gặp nhất, ảnh hưởng chủ yếu tới những người ở độ tuổi trung niên. Căn bệnh này thường gây ra các triệu chứng như cứng khớp và đau khớp, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày cũng như công việc của mình.

Trên thực tế, có nhiều loại viêm khớp khác nhau, trong đó hai loại viêm khớp phổ biến nhất, bao gồm:

  • Viêm xương khớp (OA): Thường xảy ra ở cột sống, khớp tay, hông và đầu gối. Khi bị viêm xương khớp, các sụn khớp bao bọc ở đầu xương sẽ bị tổn thương và bào mòn, dẫn đến tình trạng đau cứng khớp.
  • Viêm khớp dạng thấp (RA): Là một loại bệnh tự miễn, thường gây ra các triệu chứng điển hình như sưng, đỏ, xơ cứng và đau khớp. Hầu hết các vị trí bị ảnh hưởng bao gồm khớp lưng, khớp tay, khớp gối, và khớp bàn chân. Căn bệnh mãn tính này không chỉ làm tổn thương tới khớp mà còn gây hại cho các khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như da, tim, phổi, mắt, và mạch máu.

1. Triệu chứng đau nhức chân tay khi thay đổi thời tiết

Người bệnh sẽ có những biểu hiện sau:

  • Sưng to, tê buốt các khớp đầu gối, khớp cổ tay bị viêm gây khó khăn trong vận động hàng ngày.

  • Cứng khớp thường xuyên, đặc biệt là vào buổi sáng khi vừa thức dậy.

  • Có cảm giác như kiến bò ở trong khớp hoặc xương, gây đau nhói khó chịu mỗi khi thời tiết thay đổi.

2. Thời tiết ảnh hưởng đến xương khớp như thế nào?

Những người bị viêm khớp có thể nhạy cảm với sự thay đổi của áp suất khí quyển. Khi lớp sụn bao phủ xương bên trong khớp bị bào mòn, các dây thần kinh trong xương có thể cảm nhận được những thay đổi của áp suất. Hơn nữa, khi áp suất khí quyển thay đổi có thể khiến cho gân, cơ và các mô sẹo bị giãn ra và co lại, dẫn đến tình trạng đau khớp.

Bên cạnh đó, nhiệt độ thấp cũng là một trong những yếu tố góp phần làm cho chất lỏng bên trong khớp trở nên dày hơn, gây ra khô cứng khớp. Trong một cuộc khảo sát trên 200 người bị viêm xương khớp ở đầu gối, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi nhiệt độ giảm khoảng 10 độ, cũng như áp suất khí quyển thấp đã làm gia tăng chứng đau khớp.

3. Cách phòng ngừa và giảm đau nhức chân tay khi thay đổi thời tiết

  • Khi nhiệt độ giảm, hãy cố gắng giữ ấm cho cơ thể bằng cách tắm với nước ấm, mặc nhiều lớp quần áo vào ban ngày (bao gồm cả găng tay và tất chân), sử dụng chăn điện vào ban đêm hoặc các thiết bị giúp tăng nhiệt độ bên trong nhà.
  • Tắm Paraffin: Bạn có thể tắm bồn với sáp paraffin để làm dịu các cơn đau nhức khớp. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một miếng đệm ấm và đặt lên các vị trí đau.
  • Sử dụng một số loại thuốc giảm đau như thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Duy trì các hoạt động thể chất và cân bằng trọng lượng của cơ thể. Bạn hãy thử các bài tập thể dục nhẹ nhàng tốt cho khớp, chẳng hạn như bơi lội hoặc yoga. Điều này sẽ giúp cho cơ thể tăng cường được sức mạnh của cơ bắp và xương.
  • Không nên tạo áp lực lớn cho các khớp. Hãy nhờ tới sự giúp đỡ của người khác khi bạn cần nâng các vật nặng.
  • Nâng cao sức khỏe tổng thể bằng cách tuân thủ một chế độ dinh dưỡng lành mạnh kết hợp với ngủ đủ giấc.

Bệnh viện đa khoa quốc tế Thiên Đức là bệnh viện đa khoa có chức năng thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa, thoát vị, đau nhức xương khớp,.... Tại Thiên Đức cũng đã thực hiện chẩn đoán, điều trị bằng các phương pháp y học hiện đại kết hợp với phương pháp y học cổ truyền về các bệnh lý cơ xương khớp, không chỉ đem lại hiệu quả cao mà còn hạn chế tối đa biến chứng bệnh tái phát.