Tin tức

BỆNH BẠCH HẦU: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

06/07/2020   1430 lượt xem

Mùa COVID-19 vừa qua, có vài tuần nước ta tạm phải ngưng hoạt động tiêm chủng do giãn cách xã hội. Và bệnh bạch hầu trở thành nỗi lo lắng khi xuất hiện tại nhiều địa phương cả nước như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk… Trong hàng chục ca nhiễm bệnh được phát hiện và điều trị, đã có trường hợp tử vong.

Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu (diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu – tên khoa học là Corynebacterium diphtheria gây ra.

Vi khuẩn từ các mảng trắng có thể tiết ra nội độc tố, dễ gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu làm thay đổi giọng nói, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn; nặng thì hôn mê, sau đó tử vong. Một số trường hợp biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên. Ở những người không được tiêm phòng, hoặc không được điều trị kịp thời, 10% trường hợp người bệnh sẽ tử vong mặc dù đã dùng kháng sinh và sử dụng thuốc chống huyết thanh.
Nguyên nhân bệnh Bạch hầu
Tác nhân gây bệnh bạch hầu là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn bạch hầu có 3 týp là Gravis, Mitis và Intermedius. Vi khuẩn bạch hầu tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.
Bệnh khởi phát cấp tính và các đặc điểm chính là đau họng, sốt và sưng hạch ở cổ. Độc tố bạch hầu làm cho màng mô chết đi và tích tụ trên cổ họng và amidan, khiến việc thở và nuốt trở nên khó khăn.
Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Vì vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.
Triệu chứng bệnh Bạch hầu
Các dấu hiệu và triệu chứng bạch hầu thường bắt đầu từ hai đến năm ngày sau khi bị nhiễm bệnh như sau :

  • Giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu.
  • Đau họng và khàn giọng
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ 
  • Khó thở hoặc thở nhanh
  • Chảy nước mũi
  • Sốt và ớn lạnh
  • Khó chịu

Ở một số người, nhiễm vi khuẩn bạch hầu gây ra chỉ gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ hoặc không có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng nào cả. Những người bị nhiễm bệnh nhưng vẫn không biết về căn bệnh của mình được gọi là người mang bệnh bạch hầu (carriers of diphtheria), bởi vì họ có thể lây truyền bệnh cho cộng động mà không có triệu chứng bị bệnh.
Vi khuẩn bạch hầu gây bệnh trên da (cutaneous diphtheria)

Một loại bạch hầu thứ hai có thể ảnh hưởng đến da với triệu chứng đau, đỏ và sưng, loét bao phủ bởi một màng màu xám ở vùng hầu cũng có thể phát triển trong bệnh bạch hầu trên da. Mặc dù bệnh này phổ biến hơn ở vùng khí hậu nhiệt đới, bệnh bạch hầu trên da cũng xảy ra ở Hoa Kỳ, đặc biệt là ở những người có vệ sinh kém, sống trong điều kiện đông đúc.
Biến chứng bệnh bạch hầu
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời biến chứng gây ra bởi bạch hầu là gì?
Hô hấp: vi khuẩn bạch hầu sẽ tiết độc tố làm tổn thương các mô tại khu vực nhiễm trùng như mũi, cổ họng. Tại khu vực nhiễm trùng sẽ xuất hiện những màng cứng có màu trắng là các tế bào chết, vi khuẩn,… khiến việc hô hấp gặp khó khăn.
Đau tim: độc tố do bạch hầu gây nên sẽ lan truyền theo dòng máu gây tổn thương cho các mô trong cơ thể bệnh nhân gây ra biến chứng như viêm cơ tim. Tổn thương do các viêm cơ tim ở mức nhẹ, xuất hiện bất thường trên điện tâm đồ hoặc biến chứng nặng như suy tim sung huyết và đột tử.
Tổn thương hệ thần kinh: không chỉ gây ra biến chứng cho hệ hô hấp, tim mạch độc tố còn gây tổn thương cho hệ thần kinh. Dây thần kinh trong cổ họng bị ảnh hưởng sẽ khiến bệnh nhân khó nuốt, tay chân bị viêm, tê liệt.

Phòng ngừa bệnh bạch hầu như thế nào cho hiệu quả?

  • Hiện nay, tiêm phòng vắc xin bạch hầu được xem là biện pháp có hiệu quả tốt nhất. Có rất nhiều loại vắc xin như 3 trong 1, 4 trong 1,… hoặc vắc xin 6 trong 1 có tác dụng phòng ngừa 6 bệnh truyền nhiễm dành cho trẻ nhỏ từ 2 - 24 tháng tuổi.
  • Ngoài ra có các biện pháp khác như vệ sinh kỹ càng môi trường sống, phòng ở, nhà trẻ. Đảm bảo không gian luôn thoáng đãng, sạch sẽ.
  • Tập thói quen lấy tay che mũi miệng lúc ho, hắt hơi và rửa tay sạch sẽ với xà phòng.
  • Tuyên truyền rộng rãi cho người dân về việc tiêm phòng cho trẻ nhỏ đúng lịch hẹn.
  • Khi phát hiện có người mắc bệnh cần báo ngay cho các cơ quan y tế gần nhất để tiến hành xử lý, điều trị để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh.