Tin tức

DẤU HIỆU BỆNH CHÂN TAY MIỆNG Ở TRẺ EM VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

02/07/2020   8052 lượt xem

Bệnh tay chân miệng ở trẻ là nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ. Tay chân miệng ở trẻ sơ sinh gây ra bởi một trong những nhóm virus coxsackie, là một bệnh lành tính và có thể tự khỏi.

Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh chân tay miệng là một bệnh nhiễm trùng do virus coxsackievirus A16 và enterovirus 71 gây ra. Các virus này sống trong đường tiêu hóa và lây từ người này sang người qua việc tiếp xúc thông thường. Bệnh thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi bởi hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển toàn diện nên không có khả năng chống lại các virus gây bệnh. Mùa xuân, mùa hè và mùa thu là ba thời điểm mà trẻ em cũng như người lớn rất dễ mắc bệnh.

Trẻ sơ sinh bị tay chân miệng nếu người bệnh ho hoặc hắt hơi gần bé, hoặc do tiếp xúc với phân, nước bọt hoặc dịch từ vết loét bỏng nước của bệnh nhân. Đối với một trường hợp mắc bệnh, giai đoạn dễ lây lan nhất là trước khi các triệu chứng xuất hiện. Do đó rất khó để phát hiện và cách ly kịp thời, phòng tránh bệnh hoàn toàn cho trẻ sơ sinh.
Triệu chứng tay chân miệng ở trẻ sơ sinh
Triệu chứng rõ ràng nhất của tay chân miệng ở trẻ sơ sinh là các vết phồng rộp trên da. Nhưng trước khi những nốt ban phỏng nước xuất hiện, các bé cũng có thể bị đau họng, sốt và đau bụng. Sau đó một vài ngày, phụ huynh sẽ nhận thấy các đặc điểm sau:
Miệng: Xuất hiện những đốm đỏ trên lưỡi và bên trong miệng của bé. Các đốm này sẽ dần chuyển thành những mụn nước lớn hơn, màu vàng xám có viền đỏ.
Tay và chân: Xuất hiện những đốm nhỏ màu đỏ nổi trên ngón tay, lưng hoặc lòng bàn tay, lòng bàn chân và ngón chân của bé. Các đốm này có thể gây đau và ngứa, sau đó chuyển thành những mụn nước có màu xám ở giữa.
Các vết mụn trên trông giống như nốt phát ban đỏ phồng to và bỏng nước, thỉnh thoảng còn lan ra chân, mông và bẹn của trẻ sơ sinh. Các bé mắc bệnh có thể kém ăn (nếu bé đang ở giai đoạn ăn dặm) hoặc bỏ bú vì những mụn nước trong miệng gây sưng đau, khó chịu.

Biến chứng tay chân miệng
Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi… Để đề phòng các biến chứng nguy hiểm này, cha mẹ và gia đình cần theo dõi sát trẻ, phát hiện sớm các biểu hiện diễn biến xấu như: sốt cao, thở bất thường, kích thích hoặc li bì, bỏ bú, nôn trớ, co giật…
Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao và nhanh chóng xảy ra, nhất là trong bệnh cảnh trụy mạch và phù phổi cấp.
Điều trị
Đây là bệnh do virut gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Các biện pháp điều trị nhằm giải quyết các triệu chứng và biến chứng của bệnh.

  • Hạ nhiệt: Khi trẻ sốt cao từ 38,50C trở lên cần cho trẻ dùng ngay thuốc hạ nhiệt acetaminophen (paracetamol).
  • Bổ sung đủ nước: Cho trẻ uống dung dịch điện giải (oresol; hydrit).
  • Khi trẻ có sốt và loét miệng cần bổ sung vitamin C, kẽm…
  • Điều trị loét miệng họng: Dùng dung dịch glycerin borat lau sạch miệng trước và sau ăn. Gel rơ miệng (kamistad; zyttee…) có tác dụng sát khuẩn và giảm đau giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.
  • Khi có triệu chứng não – màng não: cần dùng thuốc chống co giật: phenobarbital. Chuyển lên tuyến trên điều trị chuyên sâu.

Khi nào nên đưa bé đi khám bác sĩ?
Nếu trẻ xuất hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng mất nước nào như da khô, môi khô, giảm cân, suy nhược hoặc tiểu rất ít hoặc không tiểu tiện trong suốt 6 giờ, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để có biện pháp bù nước thích hợp. Ngoài ra, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu:

  • Nếu con của bạn dưới ba tháng tuổi và nhiệt độ đo ở hậu môn là 38°C hoặc cao hơn. Trẻ nhỏ sốt cao cần được theo dõi cẩn thận.
  • Nếu con của bạn 3 tháng tuổi và nhiệt độ đo được là 38,5°C hoặc cao hơn
  • Nếu con bạn 6 tháng tuổi và nhiệt độ đo được lên đến 39,5°C.

Cách ngăn ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

  • Cho bé nghỉ ngơi ở nhà, không cho bé tiếp xúc với các trẻ khác cho đến khi bé khỏi bệnh.
  • Rửa tay thường xuyên và duy trì việc vệ sinh cá nhân là cách bảo vệ tốt nhất.
  • Bạn và mọi người trong gia đình bạn phải rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc làm vệ sinh cho trẻ, trước khi chuẩn bị thức ăn hoặc sau khi ăn.
  • Rửa, khử trùng đồ chơi và các đồ vật khác mà bé tiếp xúc.
  • Giặt quần áo, drap trải giường, chăn màn bằng xà phòng và nước nóng, phơi dưới ánh nắng mặt trời.
  • Dạy trẻ cách rửa tay sạch sẽ.