Tin tức

VIÊM TÚI THỪA ĐẠI TRÀNG: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

01/07/2020   2264 lượt xem

Viêm túi thừa đại tràng là những túi nhỏ phình ra ở thành đại tràng bị viêm hay nhiễm trùng. Khi túi thừa đại tràng bị viêm nếu không được chẩn đoán và điều trị hiệu quả có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng, dễ gây nhầm lẫn với ung thư đại trực tràng

Viêm túi thừa đại tràng là gì?
Túi thừa là những túi nhỏ, phồng, có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa, từ dạ dày, ruột non, ruột già nhưng thường gặp nhất ở đại tràng.

Viêm túi thừa xảy ra khi một hoặc nhiều túi thừa bị viêm nhiễm, sưng đỏ. Bệnh có thể nhẹ hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng. Các biến chứng bao gồm: xuất huyết (chảy máu ruột già), thủng ruột, tắc nghẽn ruột và áp xe…
Túi thừa rất phổ biến và xảy ra ở 10% người trên 40 tuổi và 50% người trên 60 tuổi và nếu ở tuổi 80, tỷ lệ này lên tới 65%. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ có túi thừa đại tràng ở những người trưởng thành trẻ béo phì đang gia tăng.
Yếu tố nguy cơ gây ra viêm túi thừa đại tràng

  • Lớn tuổi: khả năng bị viêm túi thừa của bạn tăng lên khi bạn trên 40 tuổi, điều này có thể do những thay đổi liên quan đến tuổi, chẳng hạn như sự suy giảm mức độ vững chắc và độ đàn hồi thành ruột có thể đóng góp vào tình trạng viêm túi thừa.
  • Ăn ít chất xơ: bệnh viêm túi thừa phổ biến ở các nước công nghiệp phát triển, chẳng hạn như Mỹ, nơi mà chế độ ăn uống giàu carbohydrate tinh chế và ít chất xơ.
  • Vận động thể lực: ít hay hạn chế vận động thể lực được cho là có liên quan đến nguy cơ hình thành túi thừa. Những lý do dẫn đến tình trạng này vẫn chưa được hiểu rõ.
  • Béo phì: làm tăng nguy cơ xuất hiện viêm túi thừa và chảy máu túi thừa.
  • Hút thuốc lá: làm tăng khả năng bị viêm túi thừa.

Triệu chứng của bệnh viêm túi thừa đại tràng
Viêm túi thừa có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Những triệu chứng này có thể xuất hiện đột ngột hoặc chúng có thể phát triển dần dần trong vài ngày. Phần lớn những người mắc bệnh túi thừa sẽ không bao giờ gặp bất kỳ triệu chứng nào, chỉ vô tình phát hiện khi đi khám sức khỏe vì lý do bệnh khác. Tuy nhiên, ở một số người bệnh có thể có triệu chứng như:

  • Đau bụng.
  • Thay đổi thói quen đại tiện.
  • Táo bón và cũng có thể có tiêu chảy nhưng ít gặp hơn.
  • Có lượng nhỏ máu trong phân.
  • Đầy hơi.

Nếu túi thừa này bị viêm, thì người bệnh sẽ có các triệu chứng như sau:

  • Đau bụng liên tục hoặc dữ dội.
  • Đi tiểu thường xuyên hơn.
  • Đi tiểu đau.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Sốt và ớn lạnh.
  • Người bệnh có thể đi ngoài ra máu có trong phân.
  • Chảy máu từ trực tràng.

Làm thế nào để chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng?
Nếu bạn đang có biểu hiện viêm túi thừa đại tràng, trước tiên hãy tới ngay cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám.
Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về lịch sử y tế của bạn như: thói quen đại tiện, triệu chứng, chế độ ăn uống, thuốc đã sử dụng…, kiểm tra thể chất, có thể tiến hành khám trực tràng, nội soi đại trực tràng.


Một hoặc có thể nhiều xét nghiệm chẩn đoán được thực hiện như: xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, chụp CT scan, MRI ổ bụng. Trường hợp bị chảy máu trực tràng, bác sĩ có thể thực hiện chụp động mạch để xác định nguồn gốc chảy máu là gì, từ đâu.
Biến chứng của bệnh viêm túi thừa đại tràng

  • Viêm phúc mạc: có thể xảy ra nếu túi thừa bị viêm nhiễm nặng hoặc túi thừa bị thủng, làm cho dịch tiêu hóa hay phân trong ruột rơi vào khoang bụng. Điều này có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm nặng nề lớp niêm mạc khoang bụng (phúc mạc). Viêm phúc mạc là một cấp cứu ngoại khoa và đòi hỏi phải nhập viện ngay lập tức.
  • Chảy máu túi thừa.
  • Tắc nghẽn trong ruột già hoặc ruột non do sẹo.
  • Áp-xe, xảy ra khi tích tụ mủ trong túi.
  • Rò các cơ quan lân cận hoặc có đường nối bất thường giữa các phần khác nhau của ruột, giữa ruột và bàng quang hoặc âm đạo, hoặc giữa ruột và thành bụng.

Cách phòng bệnh viêm túi thừa
Theo các chuyên gia y tế, để ngăn ngừa bệnh viêm túi thừa, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

  • Nên ăn nhiều chất xơ: khoai lang, cà rốt, cam, táo, các loại hạt đậu, bơ…Chất xơ làm tăng nhu động ruột, hạn chế sự hình thành của túi thừa, giảm sự phát triển của túi thừa đã có sẵn trong lòng đại tràng.
  • Uống nhiều nước: mỗi ngày uống 1,5-2 lít nước có tác dụng làm mềm phân trong ruột già, giảm hiện tượng táo bón.
  • Tập thể dục đều đặn: Vận động hợp lý rất tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa viêm và nhiễm trùng túi thừa, giảm áp lực ruột già, hạn chế đa các bệnh về đường ruột.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để tự bảo vệ mình.
  • Hạn chế đồ ăn mặn, cay, nóng, nước uống có gas gây khó khăn cho hệ tiêu hóa, tăng nguy cơ viêm túi thừa.

Khi nhận thấy hệ tiêu hóa có biểu hiện bất thường, bạn nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời.