Tin tức

"BỆNH CHỒNG BỆNH" Ở NGƯỜI GIÀ KHI GIAO MÙA

02/04/2018   996 lượt xem

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua thời gian giao mùa từ xuân sang hè, tác động xấu đến sức khỏe, đặc biệt với người cao tuổi.

Khám mắt cho người cao tuổi tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: Q.An

Khám mắt cho người cao tuổi tại Bệnh viện Mắt Trung ương.

Nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não, viêm phổi

Theo BS Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương), khi thời tiết nóng, lạnh thất thường, người cao tuổi thường gặp những bệnh liên quan tim mạch, đường hô hấp. Trung bình Khoa tiếp nhận 10-12 bệnh nhân/ngày vào cấp cứu, chủ yếu do bị tai biến mạch máu não, viêm phổi... Có trường hợp bệnh diễn biến nặng, thậm chí rất nặng.

Còn tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, BS Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, cho biết, những ngày này ban ngày trời ấm nhưng lại lạnh về ban đêm và sáng sớm khiến người mắc bệnh tiểu đường dễ bị tăng huyết áp và tê bì chân tay.

Để giảm cảm giác tê bì, đả thông kinh mạch, làm sạch và phòng ngừa biến chứng bàn chân, nhiều người có thói quen ngâm chân bằng nước nóng hoặc các loại thuốc lá không rõ nguồn gốc. “Chính thói quen này khiến họ phải đối mặt nguy cơ bị nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí phải cắt cụt chi. Đấy là lý do vì sao mỗi tháng, khoa này lại tiếp nhận và xử lý 2-3 ca mắc tiểu đường bị bỏng với mức độ khác nhau. Thậm chí, gần đây, con số này còn gia tăng”, BS Ngọc Thiện nói.

Thời tiết giao mùa cũng làm tăng nguy cơ bị đau mắt và các bệnh về mắt ở người có sức đề kháng kém, nhất là người cao tuổi. PGS.TS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, thời tiết đang từ lạnh chuyển sang nóng có thể làm mắt bị khô. Khi gặp môi trường bụi, khói, mắt dễ bị đỏ và đau.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hiện nay, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hiệp là trên thị trường có bán các loại thuốc nhỏ mắt chứa steroids để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc. Trong khi đó, nếu dùng trong thời gian dài có thể dẫn đến mắt bị Glôcôm (dân gian còn gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước). Đây là bệnh nguy hiểm, làm giảm thị lực, thậm chí có thể gây mù vĩnh viễn. Thế nhưng, theo kết quả khảo sát cách đây không lâu của Bệnh viện Mắt Trung ương tại tỉnh Nam Định và Thái Bình, tỷ lệ người bị mù do bệnh Glôcôm khá cao. Có đến 94% người được khảo sát trả lời, không hiểu rõ về bệnh nên khi phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn. Theo các chuyên gia, người tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh Glôcôm càng cao. Bên cạnh đó, bệnh nhân có bệnh toàn thân như: Đái tháo đường, cao huyết áp... cũng là đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh Glôcôm..

Không “liều” với thời tiết

BS Trần Đình Thắng cho biết, riêng với đột quỵ, “thời gian vàng” để điều trị là 4-5 giờ đầu kể từ khi có triệu chứng. Chính vì vậy, khi thấy các biểu hiện như yếu nửa người, nói ngọng hoặc không nói được, tê bì hoặc liệt nửa mặt, nửa người, nhìn không rõ, đau đầu dữ dội, nôn mửa... gia đình cần nhanh chóng gọi cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Để phòng nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi, các bác sĩ khuyến cáo, với thời tiết hiện nay, buổi sáng khi tỉnh giấc, người già không nên ra khỏi nhà ngay mà cần ở trong phòng, vận động nhẹ nhàng để cơ thể dần thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ. Bên cạnh đó, những người bị bệnh huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... cần theo dõi thời tiết và kiểm soát huyết áp chặt chẽ khi thời tiết thay đổi. Tuyệt đối không bỏ thuốc giữa chừng. Nếu thấy người nôn nao, khó chịu thì cần nghỉ ngơi, tránh gắng sức, giữ ấm cơ thể theo sự thay đổi của thời tiết.

Bên cạnh đó, người cao tuổi nên hạn chế dùng thực phẩm nhiều calo, ít dinh dưỡng, thực phẩm chế biến sẵn (khoai tây chiên, thịt muối...); không nên sử dụng thức uống có gas, rượu bia, thuốc lá… Người cao tuổi nên uống đủ lượng nước cần thiết. Rau, củ, quả cung cấp nước, chất xơ cho cơ thể để hạn chế táo bón, đồng thời bổ sung lượng vitamin tự nhiên... Ngay cả với những người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, viêm khớp, đái tháo đường… nên duy trì thường xuyên hoạt động thể chất. Những biện pháp như tập hít thở trước và sau khi ngủ dậy, vận động tay chân, xoa, bóp cơ bắp cũng rất hiệu quả. Đặc biệt, người cao tuổi cần khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Những người mắc bệnh mạn tính phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của thầy thuốc, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng thuốc hay áp dụng những phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh mùa xuân – hè, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời tiết mùa xuân – hè là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết... phát triển và lây bệnh. Trên thực tế, tuần qua (từ 19 – 25/3), trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 7 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, nâng tổng số mắc từ đầu năm 2018 đến nay lên 66 trường hợp, giảm so với cùng kỳ năm 2017 và không có tử vong. Cùng đó, thành phố tiếp tục ghi nhận thêm 8 trường hợp mắc sốt phát ban, trong đó có 3 trường hợp dương tính với sởi, nâng tổng số mắc sởi từ đầu năm lên 41 trường hợp. Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 13 trường hợp mắc tay chân miệng mới, lũy tích năm 2018 là 44 trường hợp.