LẤY DỊ VẬT THỰC QUẢN Ở TRẺ EM
Nguyên nhân mắc dị vật thực quản
- Do tập quán của nước ta là ăn uống chặt các loại xương lẫn thịt thành mảnh.
- Do ăn vội vàng, vừa ăn vừa nói chuyện, trẻ em quen ngậm đồ chơi trong mồm rồi vô tình nuốt.
- Ở người già không có răng nên nhai không kỹ, cố nuốt hoặc do thực quản co thắt bất thường, thực quản có khối u làm cho thức ăn đáng lẽ xuống được mà mắc lại ở nơi hẹp.
Trên lâm sàng thường gặp dị vật mắc ở đoạn thực quản cổ (chiếm 80%), 12% ở thực quản ngực và 8% dị vật ở cơ hoành và tâm vị.
Biểu hiện khi mắc dị vật thực quản
Triệu chứng rầm rộ như dị vật quá to làm tắc đường ăn và đường thở làm bệnh nhân ho sặc sụa, khó thở dữ dội hoặc tử vong ngay thường ít gặp. Thường sau khi dị vật mắc vào thực quản, bệnh nhân có cảm giác vướng, đau họng, cổ, sau xương ức. Nuốt thức ăn, nước bọt đều đau. Tùy tính chất của dị vật, tình trạng nhiễm khuẩn nặng hay nhẹ mà gây viêm tấy hoặc những biến chứng nặng.
- Giai đoạn đầu: Bệnh nhân thấy nuốt đau, không ăn được gì phải bỏ dở bữa ăn. Một số trường hợp sai lầm khi hóc dị vật lại có động tác như cố khạc, thò tay vào móc họng, cố gắng ăn thêm miếng rau, miếng cơm hi vọng tống dị vật xuống. Rồi sau đó không nuốt cũng đau. Đau ngày càng tăng. Nếu dị vật ở thực quản sẽ đau ở sau xương ức, đau xiên ra sau lưng, lan lên bả vai... Khi có các biểu hiện trên, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được soi thực quản lấy dị vật.
- Giai đoạn viêm nhiễm: Dị vật cắm vào thành thực quản làm xây xát niêm mạc thực quản hoặc thủng thành thực quản, nếu dị vật là xương lẫn thịt thì nhiễm khuẩn càng mạnh. Sau 1-2 ngày các triệu chứng nuốt đau, đau cổ, đau ngực tăng dần, đến nỗi bệnh nhân không nuốt được, kể cả nước. Thường là niêm mạc thực quản, xung quanh thực quản bị viêm thì triệu chứng nặng dần và gây những biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp lấy dị vật thực quản tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thiên Đức
Cháu N.T.T 8 tuổi, địa chỉ Thanh Xuân, Hà Nội xuất hiện nuốt nghẹn đột ngột và nôn, không ăn uống được. Bệnh nhân đã đến khám và nội soi thực quản tại Bệnh viện ĐKQT. Khi soi thấy đầu dưới thực quản có 1 khối dị vật là bã thịt. Các bác sĩ đã dùng Snare lấy dị vật thành công là 1 miếng thịt đường kính 2cm.
Hình ảnh nội soi dị vật bã thức ăn tại thực quản
Hình ảnh thực quản sau khi đã lấy dị vật bã thức ăn
Soi kiểm tra lại dạ dày và tá tràng cháu bình thường, đầu dưới thực quản và tâm vị có viêm trợt niêm mạc. Bệnh nhân được điều trị nội khoa và chống co thắt, bệnh đỡ nhanh, tình trạng ổn định, ăn uống bình thường.
Để phòng ngừa dị vật thực quản, mọi người không nên ăn uống vội vàng. Không nói chuyện và cười đùa trong khi ăn, uống rượu say nhắm đồ ăn có lẫn xương. Đối với trẻ em và người già, cần loại bỏ xương trước khi ăn. Khi bị hóc không nên chữa mẹo. Khi phát hiện dị vật, cần đến ngay chuyên khoa tai mũi họng để được soi gắp kịp thời, tránh các biến chứng.