NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH KHẮC PHỤC CHUỘT RÚT KHI MANG THAI
Nguyên nhân chuột rút khi mang thai
- Trọng lượng cơ thể của mẹ bầu ngày càng tăng trong thai kỳ, gây áp lực nhiều hơn tới các cơ bắp ở chân.
- Tử cung ngày càng to làm tăng áp lực lên các mạch máu chính đưa máu từ chân lên tim và các dây thần kinh từ tủy sống đến chân các tĩnh mạch cung cấp máu cho tử cung cũng bị chèn ép gây cảm giác nặng nề, khó chịu.
- Mất nước khiến cơ thể bị rối loạn điện giải gây ra tình trạng chuột rút.
- Thiếu canxi, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ, nhu cầu canxi của cơ thể càng tăng cao để có thể đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi. Khi lượng canxi không được cung ứng đầy đủ, cơ thể của mẹ bầu sẽ cung cấp canxi để truyền cho bé khiến mẹ bị thiếu canxi. Thiếu khoáng, quá ít kali, canxi hoặc magiê trong chế độ ăn uống có thể góp phần gây ra chuột rút ở chân.
- Việc lạm dụng cơ bắp, mất nước, căng cơ hoặc đơn giản là giữ một vị trí trong một thời gian dài có thể gây ra chuột rút cơ bắp.
Chuột rút có thể bắt đầu gây khó chịu từ tháng thứ ba của thai kỳ và các cơn đau ngày càng xuất hiện thường xuyên khi thai nhi lớn dần. Tình trạng này xảy ra cả ban ngày và trầm trọng hơn vào ban đêm, ảnh hưởng nhiều tới giấc ngủ của thai phụ và sẽ tự hết khi kết thúc thai kỳ.
Trường hợp nếu thai phụ bị chuột rút kèm theo các triệu chứng như ra máu, đau mạnh ở bụng hay trên đỉnh vai, thân nhiệt tăng hoặc đau dữ đội ở phần bị đau, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Phòng ngừa chuột rút khi mang thai
- Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế. Mẹ bầu làm việc tại văn phòng tranh thủ thời gian co duỗi bắp chân và vận động hai chân sau mỗi giờ làm việc.
- Tránh làm việc mệt nhọc. Duy trì thói quen vận động nhịp nhàng và điều độ.
- Tập thể dục khi mang thai với các bài tập nhẹ như yoga, đi bơi, đi bộ,… giúp lượng máu và quá trình trao đổi chất trong cơ thể mẹ diễn ra thuận lợi hơn.
- Thực hiện massage chân nhẹ nhàng từ vùng đùi đến bắp chân, bàn chân và các ngón chân để làm tăng quá trình lưu thông máu.
- Khi nằm ngủ gác chân lên gối cao (mềm). Nên nằm nghiêng bên trái để máu lưu thông khắp cơ thể, đặc biệt là vùng bắp chân.
- Hãy bổ sung đầy đủ canxi, nên nhận được 800- 1500 miligam canxi mỗi ngày. Tham khảo ý kiến của bác sĩ để bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể theo từng giai đoạn của thai kỳ. Trong thực đơn hàng ngày, các mẹ bầu cần chú ý bổ sung thực phẩm giàu canxi (thịt,cá, trứng, tôm, cua,...).
Cách khắc phục tình trạng chuột rút
- Trong thực đơn hàng ngày, các mẹ bầu cần chú ý bổ sung thực phẩm giàu kali, magiê, đặc biệt là canxi (thịt,cá, trứng, rau - củ - quả, đặc biệt là chuối, nho khô, lê…).
- Uống nhiều nước, tốt nhất nên bổ sung mỗi ngày từ 2 – 2,5 lít nước để hạn chế tình trạng mất nước.
- Nên dành thời gian để nghỉ ngơi. Luôn để tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng.
- Tắm bằng nước ấm. Ngâm chân trong nước nóng được pha với ít muối và gừng để tránh bị chuột rút vào ban đêm.
Hiện tượng chuột rút khi mang thai là rất thường gặp, không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, trong vài trường hợp hiếm hoi, chuột rút gây ra đau đớn dữ dội do cục máu đông gây tắc nghẽn mạch. Nếu gặp tình trạng đau nặng và dai dẳng kèm theo dấu hiệu sưng đỏ ở chân, mẹ bầu nên đến ngay bác sĩ để được chữa trị kịp thời.