CÁC PHƯƠNG PHÁP TÁN SỎI TIẾT NIỆU HIỆU QUẢ
Tán sỏi là gì?
Tán sỏi qua nội soi niệu quản là kỹ thuật sử dụng ống soi niệu quản đi từ niệu đạo, qua bàng quang và lên niệu quản để tiếp cận trực tiếp viên sỏi. Sau đó sử dụng năng lượng khí nén hoặc laser để phá vụn viên sỏi và bơm rửa và gắp để lấy hết sỏi ra ngoài. Bao gồm hai Phương pháp:
- Nội soi niệu quản sử dụng ống soi cứng hay bán cứng: Phương pháp này ưu tiên áp dụng cho sỏi niệu quản 1/3 dưới, 1/3 giữa.
- Nội soi niệu quản sử dụng ống soi mềm: Tán được sỏi niệu quản 1/3 trên, sỏi trong thận.
Những ai cần tán sỏi tiết niệu?
Bệnh nhân được chỉ định điều trị tán sỏi tiết niệu là những đối tượng sau:
- Người có sỏi đài bể thận kích thước từ 3cm trở xuống.
- Sỏi thận sót, tái phát sau phẫu thuật mở.
- Sỏi niệu quản trên di chuyển trong thận sau tán sỏi nội soi ngược dòng bằng ống cứng, ống bán cứng.
- Sỏi niệu quản trên di chuyển vào thận trong phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi.
- Sử dụng ống soi mềm phối hợp trong trường hợp tán sỏi nội soi qua da (PCNL) khó tiếp cận hoặc trong trường hợp mở bể thận kết hợp ống soi mềm lấy sạch sỏi.
- Sỏi niệu quản đoạn cao chỉ định tán sỏi bằng ống soi mềm một thì.
Những trường hợp không áp dụng được kỹ thuật tán sỏi bao gồm:
- Người có niệu quản hẹp, gấp khúc, dị dạng thận, niệu quản không đặt được máy nội soi.
- Sỏi đài bể thận lớn hơn 3 cm.
- Bệnh nhân có hẹp niệu đạo ở nam giới, bệnh nhân hẹp niệu quản đoạn dài dưới sỏi, bệnh nhân có rối loạn đông máu.
- Các trường hợp nhiễm trùng tiết niệu chưa điều trị ổn định
- Thận ứ nước độ III, IV là chống chỉ định tương đối.
Các phương pháp tán sỏi tiết niệu hiệu quả
Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật cũng như sự phát triển của các dụng cụ, kỹ thuật nội soi trong tiết niệu. Ngày nay việc điều trị sỏi thận, sỏi đường tiết niệu đã có nhiều bước đột phá, các phương pháp điều trị ít xâm lấn đang ngày càng được áp dụng rộng rãi. Trong đó tán sỏi thận bằng phương pháp nội soi thận ống mềm hay tán sỏi thận qua da đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Các phương pháp tán sỏi tiết niệu gồm có:
Tán sỏi ngoài cơ thể: là phương pháp sử dụng năng lượng thủy lực điện trường phá vỡ viên sỏi giúp chúng dễ dàng được tống ra ngoài. Phương pháp điều trị này áp dụng với trường hợp kích cỡ viên sỏi thận dưới 3cm ở các vị trí: sỏi 1/3 trên niệu quản, sỏi nhóm đài dưới, cổ đài phải rộng, sỏi nhóm đài trên, sỏi ở bể thận,..
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser: Sử dụng một ống thông từ niệu đạo đến vị trí của viên sỏi, sau đó dùng năng lượng từ laser để tán nhỏ sỏi rồi hút ra ngoài. Vị trí bắn laser sỏi thận: Tán sỏi 1/3 dưới và 1/3 giữa niệu quản với nam giới, tán sỏi cao hơn lên tới ngang đốt sống L3 và L4 với nữ giới. Áp dụng đối với các viên sỏi kích thước nhỏ hơn 2cm
Tán sỏi qua da: Một máy nội soi được đưa qua đường hầm nhỏ (khoảng 6-10mm) từ da vào trong thận hoặc vị trí có sỏi và thực hiện tán sỏi, sau đó hút sỏi ra ngoài. Đây là biện pháp chỉ định cho trường hợp sỏi nhóm đài dưới, sỏi cứng, sỏi san hô, sỏi lớn, sỏi bể thận.
Nếu kích thước sỏi lớn hoặc người bệnh không đáp ứng được các điều kiện tán sỏi bằng các phương pháp trên thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật lấy sỏi ra bằng cách:
Mổ nội soi sau phúc mạc: Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi là phương pháp lấy sỏi nội soi qua đường sau phúc mạc, theo đó, sỏi được lấy ra qua lỗ Trocar. Phương pháp này điều trị hiệu quả đặc biệt đối với sỏi niệu quản đoạn cao và sỏi bể thận đơn thuần.
Mổ mở lấy sỏi: Là giải pháp khi sỏi kích thước quá lớn, người bệnh sẽ được mổ mở để gắp sỏi ra.
Khi có các triệu chứng nghi ngờ sỏi niệu quản cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Những người bệnh có tiền sử sỏi thận cũng cần được theo dõi thường xuyên hay có phương pháp điều trị sỏi thận tránh việc sỏi thận rơi xuống dẫn đến sỏi niệu quản.