NHỮNG DẤU HIỆU PHÁT HIỆN BỆNH TRĨ
Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ là tình trạng giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở vùng hậu môn, gây viêm sưng hoặc xuất huyết.
Tuy bệnh ít nguy hiểm nhưng gây nhiều trở ngại, phiền phức trong sinh hoạt, từ đó ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng công tác và tâm sinh lý của người bệnh.
Một số căn nguyên gây bệnh
Yếu tố nguy cơ gây bệnh
- Yếu tố chủng tộc và địa lý: dân vùng Địa Trung Hải, Bắc Phi và người do thái hay bị bệnh trĩ.
- Yếu tố gia đình và di truyền.
- Các bệnh chuyển hoá: béo phì, đái đường, Goutte.
- Do bệnh ngồi nhiều ít đi lại.
Các điều kiện gây bệnh thường thấy:
- Rối loạn tiêu hóa và lưu thông ruột: táo bón, ỉa lỏng, lị mót rặn nhiều.
- Một số giai đoạn sinh lý : hành kinh, có chửa, sau sinh đẻ, nội tiết.
- Một số hình thức thể dục thể thao gây một gắng sức mạnh, mất cân bằng đột ngột của tuần hoàn tại chỗ vùng hậu môn trực tràng.
- Một vài yếu tố ăn uống : ăn uống quá mức, lạm dụng các chất gia vị, uống rượu, cà phê nhiều.
- Một số dị ứng tại chỗ: do dùng kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc đặt ở hậu môn, thuốc chống cúm, giảm đau, thuốc ngủ.
Phân loại bệnh trĩ
Bệnh trĩ có nhiều cách phân loại khác nhau nhưng thường được phân loại theo vị trí giải phẫu
Trĩ nội: Chân búi trĩ ở trên đường lược, niêm mạc tuyến của trực tràng phủ búi trĩ.
Trĩ ngoại: Chân búi trĩ ở dưới đường lược, da ống hậu môn (niêm mạc Hermann) phủ búi trĩ.
Trĩ hỗn hợp: Có cả búi trĩ ở trên và dưới đường lược.
Phân độ bệnh trĩ
Để chẩn đoán và tiên lượng trong điều trị thường chia trĩ thành các độ sau:
Độ 1: búi trĩ không sa ra, chỉ cương tụ máu, có chảy máu.
Độ 2: búi trĩ to, rặn sa ra tự co vào được, dễ chảy máu.
Độ 3: búi trĩ to, rặn sa ra không tự co vào được, phải dùng tay đẩy vào.
Độ 4: búi trĩ sa ra liên tục không đẩy vào được hoặc tự co vào được.
Biến chứng của bệnh trĩ:
Bản thân bệnh trĩ ban đầu không nguy hiểm mà chỉ gây cho người bệnh cảm giác khó chịu, vướng víu và đau rát vùng hậu môn, đặc biệt là sau khi đi đại tiện. Tuy nhiên, nếu để bệnh kéo dài, các búi trĩ sẽ ngày càng phát triển.
Khi búi trĩ quá to, người bệnh rất dễ gặp phải những biến chứng nghiêm trọng, điển hình là 1 số biến chứng sau đây:
Tắc mạch
Búi trĩ tắc mạch là tình trạng bên trong mạch máu búi trĩ hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Tắc mạch trĩ ngoại thì vùng rìa hậu môn sẽ thấy khối phồng nhỏ màu xanh, đi kèm cảm giác đau rát khi sờ, căng. Tắc mạch trong trĩ nội thì có cảm giác đau và cộm trong sâu và triệu chứng không sờ thấy như trĩ ngoại.
Sa nghẹt búi trĩ
Sa nghẹt búi trĩ xảy ra khi búi trĩ đã phát triển to làm chặn cửa hậu môn khiến người bệnh không thể đại tiện và gây đau đớn rất nhiều. Tình trạng này có thể kéo theo cả viêm nhiễm do búi trĩ khi quá căng sẽ dễ bị nứt và chảy máu nhiều.
Viêm nhiễm, hoại tử
Khi bị bệnh trĩ, người bệnh thường gặp phải tình trạng táo bón. Phân táo khô và cứng nên khi đại tiện hay cứa vào búi trĩ và thành hậu môn gây ra nứt kẽ hậu môn, nứt búi trĩ. Đây là nguyên nhân gây nên hiện tượng đi ngoài ra máu ở bệnh trĩ. Nếu không cẩn thận, những tổn thương có thể bị nhiễm trùng, thậm chí hoại tử nếu người bệnh không điều trị kịp thời.
Thiếu máu, nhiễm trùng máu
Mất máu lâu ngày vì đại tiện ra máu cũng khiến người bệnh trĩ lâu ngày sẽ bị thiếu máu trầm trọng, đặc biệt là ở những người bệnh đã bị đến cấp độ nặng. Lúc này cơ thể sẽ bị suy nhược, mệt mỏi và chóng mặt.
Ngoài ra, vi khuẩn xâm nhập không chỉ làm viêm nhiễm vùng hậu môn mà còn có nguy cơ xâm lấn gây nhiễm trùng máu. Đây là một trong những biến chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh trĩ.
Có thể thấy, những biến chứng của bệnh trĩ vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Vì vậy chúng ta không thể coi thường căn bệnh này. Khi phát hiện bất kỳ triệu chứng nào, người bệnh cần đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.